"Để tiến tới mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022, chúng tôi sẽ thực hiện các bước thúc đẩy nguồn cung vaccine, sản phẩm y tế cần thiết ở các quốc gia đang phát triển; dỡ bỏ ràng buộc về nguồn cung và tài chính liên quan", các bộ trưởng nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Người dân ngồi chờ tại một trung tâm tiêm chủng đặt tại bảo tàng đường sắt Catalonia ở Tây Ban Nha (Ảnh: Getty Images)
"Chúng tôi cũng thành lập lực lượng đặc nhiệm chung về y tế-tài chính G20 nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác toàn cầu về các vấn đề liên quan đến phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch", tuyên bố cho biết thêm.
Theo các bộ trưởng, việc thành lập cơ quan mới xuất phát từ việc đại dịch COVID-19 làm bộc lộ những thiếu sót đáng kể trong điều phối ứng phó của thế giới.
Nhóm G20 đang họp tại Thủ đô Roma, Italy tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Vào thời điểm quan trọng đối với sự phục hồi toàn cầu, lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ phải tìm lời giải cho hàng loạt vấn đề nóng từ COVID-19, khí hậu đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, thuế tối thiểu toàn cầu hay xóa nợ cho các quốc gia nghèo.
Global Citizen - một nhóm vận động quốc tế - hoan nghênh mục tiêu phủ vaccine của G20, nhưng cho rằng thế giới cần một kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ bao nhiêu liều vaccine sẽ được sản xuất ở đâu, khi nào và cho ai.
"Giờ không phải là lúc đưa ra các tuyên bố về ý định. Giờ là thời điểm để các nhà lãnh đạo hành động", Chủ tịch Global Citizen, Friederike Roder nói.