Ít ai biết đằng sau những thành quả hiện tại của doanh nghiệp này là cả hành trình và tinh thần không ngừng học tập để nâng cấp bản thân, vươn mình tiệm cận với đẳng cấp thế giới như lời chia sẻ của bà Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch FPT Software, công ty chuyên trách lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn FPT: “Những con người đẳng cấp tạo nên một công ty đẳng cấp thế giới”. Và chỉ có nêu cao tinh thần học tập mới trở thành con người đẳng cấp.
Tạo động lực tiệm cận đẳng cấp thế giới
Từ những ngày đầu thành lập, FPT Software mang tâm thế “đếch biết gì cũng tiến” đi ra thế giới với mong muốn: có việc làm. Và tất nhiên, chỉ một năm sau đó, “bài học đầu đời” công ty nhận được chỉ là những thất bại.
FPT Software nhận ra rằng, để tồn tại và phát triển tại thị trường nước ngoài, công ty phải thay đổi về tư duy và nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu khắt khe đến từ các khách hàng toàn cầu. Ngay lập tức công ty bắt tay vào đào tạo quy trình, ngoại ngữ, luyện thi các chứng chỉ công nghệ quốc tế.
Cũng từ đó, lãnh đạo công ty đã thổi bùng tinh thần khát khao học hỏi, cải tiến quy trình, cập nhật những tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực tới từng cán bộ nhân viên.
Một trong những chương trình đào tạo nâng cao năng lực và quy trình quản lý chất lượng của FPT Software phải kể đến là chiến dịch CMM-4.
CMM là chứng chỉ chất lượng của Viện Kỹ nghệ Phần mềm SEI do Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập và cấp kinh phí hoạt động. Một công ty đạt được CMM bậc 4 (trên tổng số 5 bậc) phải đủ khả năng quản lý bằng số liệu (hoặc dữ liệu) các dự án phần mềm trong đó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng và đảm bảo mục tiêu kinh doanh của công ty về chất lượng sản phẩm.
Năm 2002, FPT Software trở thành công ty đầu tiên tại Đông Nam Á đạt CMM-4, lọt vào danh sách 100 công ty hàng đầu thế giới về Quản lý chất lượng, đồng nghĩa với việc công ty giành tấm giấy thông hành hạng nhất để bước vào thị trường phần mềm thế giới.
Tinh thần học hỏi được thổi bùng trong khắp công ty.
Trong quản trị dự án, FPT Software cũng liên tục nâng cao chuẩn mực thông qua hợp tác với những tổ chức hàng đầu thế giới như Viện Quản lý Dự án (PMI), nhằm áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế hiện đại nhất.
Hơn nữa, công ty cũng đầu tư nghiên cứu để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud), công nghệ ô tô (Automotive),...
Trong lĩnh vực AI, công ty là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh AI toàn cầu cùng IBM, Meta và 50 công ty, tổ chức lớn khác. Mới đây nhất, doanh nghiệp hợp tác cùng Aitomatic và Tokyo Electron (TEL) cho ra mắt SemiKong, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mã nguồn mở đầu tiên trên thế giới dành riêng cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Nuôi dưỡng khao khát học tập
Một trong những yếu tố giúp Infosys trở thành huyền thoại CNTT của thế giới với vốn hóa trên 70 tỷ USD là văn hóa học tập suốt đời. Infosys thành lập Trung tâm Giáo dục toàn cầu tại Mysore (Ấn Độ) năm 2002, rộng 150ha, có 400 giảng viên và hơn 200 phòng học, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm có thể tiếp nhận và đào tạo tới 14.000 cá nhân cùng 1 thời điểm trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau.
Tương tự Infosys, FPT Software đang tích cực trở thành một tổ chức học tập để tiến đến và đi xa hơn mục tiêu “Công ty Tỷ đô, Đẳng cấp Thế giới”, như chia sẻ của Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà. FPT Software xây dựng đa dạng các chương trình học tập, đáp ứng nguyện vọng của các nhóm đối tượng từ tân tuyển, trẻ tuổi đến các chuyên gia và quản lý cấp trung.
Để đẩy mạnh văn hóa học tập của công ty và học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn của huyền thoại CNTT Ấn Độ, đầu năm 2024, FPT Software chiêu mộ thành công ông Prajith Nair, nguyên Giám đốc Đào tạo tại Infosys, về đảm nhiệm vị trí Giám đốc Đào tạo và Đổi mới Sáng tạo.
Ông khẳng định: “Một công ty muốn phát triển vững mạnh cần có những CBNV luôn sẵn sàng giải quyết những thách thức của khách hàng. Muốn vậy, mỗi cá nhân cần chủ động học hỏi và phát triển bản thân. Trong đó, việc đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu của khách hàng chỉ nên chiếm khoảng 20%, còn 80% khối lượng đào tạo phải dựa trên đòi hỏi từ chính vị trí công việc và lộ trình sự nghiệp của từng CBNV”.
Cụ thể, FPT Software cung cấp các chương trình học tập chủ động dành cho CBNV với đa dạng nội dung, từ chuyên ngành kỹ thuật, marketing đến ngoại ngữ,... đa dạng phương pháp đào tạo, từ tự đào tạo trực tuyến và trực tiếp trong nội bộ, đến hỗ trợ kinh phí, thời gian cho nhân viên học và thi các chứng chỉ khác.
FPT Software hợp tác với nền tảng học tập trực tuyến nổi tiếng thế giới Udacity từ năm 2021. Năm 2022, FPT Software đầu tư thêm 100 tỷ đồng vào Udacity để đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự về Data, AI, Cloud, IoT, Blockchain, Security…
Đồng thời, nhiều chương trình học tập chất lượng cao cùng các chiến dịch hỗ trợ học, thi chứng chỉ liên tiếp ra đời như Upskilling (chương trình phát triển kỹ năng chuyên sâu cho lập trình viên), Global SE (đào tạo tiếng Anh), 20K Certificates (đào tạo chứng chỉ chuyên môn, được cấp bởi Udacity), PMI-555 (đào tạo chứng chỉ quản lý dự án),… mang đến cơ hội học tập chủ động cho hơn 33.000 CBNV của FPT Software. Tùy theo yêu cầu công việc của từng vị trí mà CBNV phải hoàn thành các chương trình học chủ động.
Văn hóa học hỏi của FPT Software không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các quy trình và công nghệ mới mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Nhân viên được khuyến khích chia sẻ ý tưởng và trải nghiệm, tạo ra một môi trường làm việc tích cực và sáng tạo.
Chuẩn bị nguồn lực CNTT tương lai
Infosys đang có khoảng 317.000 CBNV, gấp khoảng gần 10 lần số lượng CBNV của FPT Software. Sự phát triển của Infosys cũng gắn liền với triết lý chú trọng, phát triển nhân sự, coi con người là tài sản quý giá nhất của công ty.
Hướng tới quy mô của Infosys đồng nghĩa FPT Software cần chuẩn bị nguồn lực rất lớn trong dài hạn. FPT Software đã liên kết các trường đại học có ngành CNTT phát triển và tài trợ học bổng cho các sinh viên công nghệ xuất sắc. Mới đây, công ty công bố gói đầu tư đào tạo trị giá 150 tỷ đồng, liên kết với 15 trường đại học để thúc đẩy nguồn lực CNTT biết tiếng Nhật.
Ngày nay, Ấn Độ trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu nhờ ước mơ xây dựng công ty phần mềm của Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys, đã khơi dậy giấc mơ lập trình viên cho nhiều thế hệ. Khi đến Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, ông Murthy nhận định: “Việt Nam là duy nhất, thể hiện lòng dũng cảm và khát vọng. Chúng tôi tin rằng, các bạn cũng có thể thành công.”
Ông nhấn mạnh rằng doanh nghiệp như FPT sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng, đặc biệt trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.