Hiện tượng "mua bia, kèm lạc" đang là vấn đề nhức nhối tại thị trường ô tô Việt Nam. Hiện tượng này xảy ra ở một số mẫu xe "hot" trên thị trường như Toyota Fortuner, Ford Ranger hay Honda CR-V.
Hiện tượng "mua bia, kèm lạc" gắn liền với mẫu Toyota Fortuner và lây lan sang các dòng xe khác. Hiện tại, Toyota Fortuner tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với yêu cầu mua thêm phụ kiện 50 - 200 triệu đồng để được nhận xe luôn, nếu không "mua lạc", khách hàng phải chờ đợi sau Tết Nguyên đán mới có thể nhận xe.
Ford Việt Nam sẽ 'khai tử' hiện tượng 'mua bia, kèm lạc'?
Không chỉ Toyota Fortuner, hiện tượng "mua bia, kèm lạc" đã và đang xảy ra ở nhiều mẫu xe khác. Trong đó, giữ vị trí thứ 2, thứ 3 lần lượt là 2 mẫu xe Ford Ranger và Ford Everest/Explorer.
Một số đại lý Ford tại Hà Nội cho biết, trong thời điểm hiện tại, khách hàng có nhu cầu nhận xe Ranger ngay lập tức, có thể mua thêm gói phụ kiện trị giá 30 - 100 triệu đồng, tùy vào từng phiên bản, màu sắc xe. Trong trường hợp từ chối mua phụ kiện, khách hàng phải chờ ít nhất là 1 tháng mới có xe để giao nhận.
Tương tự, bộ đôi Ford Everest/Explorer có gói phụ kiện từ 30 - 50 triệu đồng, tùy từng phiên bản. Đại diện của một đại lý Ford Hà Nội lý giải, do ảnh hưởng của Nghị định 116, khiến các mẫu xe nhập khẩu của Ford (trong đó có Ranger, Everest/Explorer) phải chờ đợi đến tháng 8/2018 mới chính thức bán trở lại. Vì vậy, nhu cầu của khách hàng tăng rất cao vào giai đoạn cuối năm dẫn tới hiện tượng cung không đủ cầu.
Dù biết rằng, hiện tượng "mua bia, kèm lạc" không vi phạm pháp luật, thuận mua thì vừa bán nhưng nhiều khách hàng cảm thấy ức chế, bất công khi phải bỏ thêm chi phí để mua phụ kiện "không thật sự cần thiết" để được nhận xe ngay. Khách hàng cho rằng, thà đại lý cứ niêm yết giá công khai, giá cao hay thấp, chênh lệch nhiều hay ít thì người mua sẽ quyết định chọn. Hiện tượng "mua bia kèm lạc" khiến khách hàng cảm thấy như đi chợ, phải "mặc cả" vậy.
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc của Ford Việt Nam giải thích, mối quan hệ giữa Ford Việt Nam với các đại lý được xây dựng trên nguyên tắc đối tác. Các đại lý Ford là một doanh nghiệp độc lập, tách biệt với Ford Việt Nam. Về phía Ford Việt Nam chỉ đưa ra giá niêm yết của sản phẩm.
Ông Dũng cho biết thêm, hiện tượng "mua bia, kèm lạc" chính là bài toán "cung" và "cầu". Bản thân Ford Việt Nam tích cực lắng nghe phản ánh của khách hàng và không khuyến khích các đại lý đưa ra yêu cầu mua thêm phụ kiện.
"Để giải quyết hiện tượng 'mua bia, kèm lạc', Ford Việt Nam đang tích cực làm việc với các đại lý để tìm ra tiếng nói chung. Ngoài ra, Ford đang tìm kiếm và nghiên cứu giải pháp nhằm hạn chế hiện tượng này", ông Dũng nói.
Video: Những mẫu ô tô đặc biệt của cảnh sát Mỹ