Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 thông báo nâng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm qua nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng "nóng" ở Mỹ.
Trả lời VTC News, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định tác động của chính sách này đến Việt Nam là không nhiều vì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư đều đã dự báo trước động thái này.
Chuyên gia tài chính - tiến sĩ Cấn Văn Lực dự đoán: "Việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có một số tác động đến Việt Nam nhưng không quá lớn. Đầu tiên, việc này sẽ khiến chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng USD tăng lên. Ngoài ra sẽ tác động một phần tới tỷ giá. Cuối cùng là việc này có thể tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một quần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp".
Tuy nhiên, ông Lực nhận định, khả năng dịch chuyển vốn ở Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn.
“Fed tăng lãi suất sẽ chỉ tác động một phần nhỏ, không đáng kể đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam”, ông Lực nói.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định. Dự kiến, tỷ giá năm nay chỉ tăng 0,5 - 1% so với năm ngoái do quan hệ cung - cầu ngoại tệ tương đối tốt.
Việc Fed tăng mạnh lãi suất mạnh có thể tác động một phần tới tỷ giá ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, so với mức tăng 0,25% của những lần trước, việc Fed tăng 0,75% có thể tác động rõ nét hơn nhưng vẫn không phải quá lớn. Trong đó, thị trường chứng khoán có khả năng đi lên do USD giảm giá và thời gian tới, lãi suất có thể sẽ phải nâng lên.
“Tuy nhiên, tác động sẽ không quá mạnh và không quá nhiều vì vay ngoại tệ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước vay chỉ chiếm 6% tổng dư nợ”, ông Thịnh phân tích.
Nói về thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, với tình hình lạm phát cao hiện nay và sự tăng trưởng không như mong muốn, sản xuất trì trệ không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, thời gian tới giá vàng vẫn sẽ tăng cao.
“Tuy vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng đầu tư vàng thời điểm này vì khoảng cách giữa vàng thế giới và trong nước vẫn rất xa, rất dễ gây rủi ro”, ông Thịnh khuyến cáo.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dự đoán: “Thời điểm này, vàng và USD có thể tăng cùng chiều. USD tăng do khủng hoảng kinh tế, còn vàng sẽ tăng do kim loại quý này vốn được coi như hầm trú ẩn an toàn về tài chính, nhất là trong bối cảnh địa chính trị bất ổn như hiện nay”.
Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải theo sát động thái của Fed từ nay đến cuối năm. Nếu Fed tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, thì chắc chắn, tỷ giá trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động tâm lý.
Thế giới ra sao sau động thái của FED?
Theo Reuters, mức tăng lãi suất mới đây của Fed sẽ không giúp giảm lạm phát ngay lập tức. Điều này đồng nghĩa người Mỹ vẫn sẽ phải bỏ nhiều tiền để trả cho xăng, tạp hóa và những thứ khác.
Quyết định nâng lãi suất chắc chắn sẽ khiến chi phí đi vay đắt đỏ hơn. Điều đó sẽ tác động trực tiếp lên nhiều thứ như hóa đơn, thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô và thế chấp. Sẽ không còn chuyện vay với lãi suất cực thấp khi mua nhà hay mua xe.
Một số lãi suất đã và đang tăng kể từ sau đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Fed. Và quyết định lần này được dự báo sẽ kéo theo hệ quả tương tự.
Một trong những lĩnh vực vốn rất nhạy cảm với việc tăng, giảm lãi suất đó là nhà ở. Lãi suất vay thế chấp đã tăng mạnh kể từ khi Fed bắt đầu phát đi các tín hiệu từ cuối năm ngoái rằng họ có thể thắt chặt các chính sách.
"Lãi suất vay thế chấp chắc chắn sẽ tăng trong vài tuần tới", Matthew Pointon, nhà kinh tế bất động sản cấp cao tại Capital Economics nói. Trong tuần đầu tháng 5, lãi vay mua nhà cố định kỳ hạn 30 năm tại Mỹ tăng lên 5,23% và không loại trừ con số này nhảy lên trên 6% trong vài tuần tới.
Diễn biến của thị trường chứng khoán trong các tuần và tháng tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào niềm tin của nhà đầu tư về việc Fed thành công trong kiềm chế lạm phát mà không kìm hãm tăng trưởng. Theo chuyên gia Marvin Loh của State Street, sẽ cần tới vài tháng để theo dõi tình hình lạm phát và phân tích thêm các dữ liệu trước khi đưa ra kết luận.
Trong khi đó, một điều chắc chắn là quyết định của Fed sẽ không làm giảm chi phí giá tiêu dùng, đây là một trong những khó khăn mà Fed phải đối mặt. Bằng việc nâng lãi suất, Fed có thể hạ nhiệt nhu cầu trong nền kinh tế bằng cách đẩy lãi suất đi vay cao hơn, thúc đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế chi tiêu. Nhưng họ sẽ không thể làm gì trước các cú sốc về nguồn cung.
Cụ thể, giá lương thực toàn cầu tăng đột biến chủ yếu là do tác động từ cuộc xung động Nga-Ukraine, hai cường quốc xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới. Tương tự, nguyên nhân chính khiến giá dầu ở Mỹ và đồng minh tăng cao xuất phát từ các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga.
Quyết định mới đây đánh dấu mức tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ qua của Fed. (Ảnh: Bloomberg)
Bằng cách tăng lãi suất đủ cao để giảm lạm phát, Fed có thể đang châm ngòi cho một giai đoạn giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại, Reuters đánh giá. Các nhà đầu tư nghi ngờ việc Fed có thể đạt được mục tiêu mà không gây suy thoái.
Với chính sách mới, các chuyên gia của Fed cho rằng họ vẫn có thể tránh được sự gia tăng đột biến tỷ lệ thất nghiệp với mức khá thấp hiện nay là 3,6%. Nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 15/4 thừa nhận nhiệm vụ này ngày càng khó. Nếu Fed có thể đưa lạm phát xuống gần mốc 2% trong khi giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1% vào năm 2024 thì "đó sẽ là một kết quả thành công".
"Nếu chính sách tiền tệ khiến nền kinh tế giảm tốc, chúng ta sẽ phải trả giá", Lindsay Owens, Giám đốc điều hành của nhóm vận động tiến bộ Groundwork Collaborative cảnh báo.
Fed tăng lãi suất đồng nghĩa tiền người dân đi vay mua nhà, mua xe, vay thẻ tín dụng hay doanh nghiệp vay để đầu tư đều phải chịu tăng phí. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là tin tốt với những gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng.
Trong suốt 2 năm qua, Fed duy trì mức lãi suất gần về 0, điều này khiến các khoản tiền gửi tiết kiệm gần như không thể sinh lời. Tăng lãi suất đồng nghĩa với tiền trong ngân hàng bắt đầu có thể sinh lãi. Dù vậy, theo các chuyên gia, điều này vẫn cần thời gian.