Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, từ 14/2 đến nay, số trẻ em mắc COVID-19 tăng cao hơn gấp 3 lần so với những tuần trước đó.
Cụ thể, ngành giáo dục ghi nhận 7.505 ca trong trường học, gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh; trong đó bậc mầm non 394 em, tiểu học 2.786 em, THCS 1.875 em, THPT - Giáo dục thường xuyên 1.744.
Trước tình hình F0 gia tăng trong trường học, các trường phải chủ động tìm cách ứng phó, tránh bùng phát dịch bệnh trong trường học ra sao?
Học sinh THPT Nguyễn Du (quận 10) học trên lớp. (Ảnh minh họa)
Tầm soát từ xa
Theo cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1), khi có học sinh nghi ngờ mắc COVID-19, các em ngồi yên tại chỗ và có lực lượng, đội ngũ phản ứng nhanh của trường dời lớp học đó qua 1 phòng khác, rồi sát khuẩn nhanh lớp học.
Sau đó, trường thông báo với trạm y tế phường xử lý, test nhanh và đánh giá trường hợp F0, F1. Sau đó trạm y tế phối hợp với phụ huynh để xử lý, phân loại trường hợp nào cần nhập viện hay ba mẹ đón về cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, do F0 trong trường tăng lên gần đây, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM, nhà trường đã chủ động và linh hoạt hơn để hạn chế F0 gia tăng. Đó là thực hiện sàng lọc, tầm soát từ xa.
Cô Bích Thủy cho hay, nhà trường chia sẻ, đề nghị phụ huynh test nhanh cho con trước khi đến lớp, nếu phát hiện F0, học sinh đó sẽ được nghỉ tại nhà. Nhờ cách làm này mà từ ngày 18 đến 21/2 vừa qua, có 40 em dương tính với SARS-CoV-2 được phụ huynh báo cho trường. Các em này được phụ huynh cho ở nhà để điều trị, không đến lớp để tránh lây nhiễm.
“Sáng thứ 2 tuần rồi (21/2), trường có khoảng 100 em chưa có test tại nhà (vì nhiều lý do), trường sàng lọc và chuyển các em đó qua khu vực riêng và test nhanh tại trường, phát hiện ra 4 học sinh dương tính. Sau đó trường bàn giao cho y tế địa phương và thông báo để phụ huynh đón con về. Nếu tuần rồi không có làm tầm soát từ xa ở nhà, thử hình dung khoảng 44 học sinh dương tính này đến trường thì sẽ lây lan biết bao nhiêu. Trường phối hợp với phụ huynh rất hiệu quả, nhờ đó mà trường kiểm soát tốt việc F0 tăng, tại trường xuất hiện vài ca F0 không đáng kể”, cô Thủy nói.
THPT Trưng Vương. (Ảnh: Website trường)
Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cho hay, theo quy định, trường không được yêu cầu phụ huynh test nhanh COVID-19 cho học sinh, nhưng để chia sẻ thêm với nhà trường, uyển chuyển và linh hoạt hơn trong xử lý F0, phụ huynh phối hợp với trường kiểm soát từ nhà. Tuy vất vả một chút, nhưng an toàn cho học sinh và nhà trường.
“Sáng nay (28/2) phụ huynh test nhanh trước ở nhà giúp cho trường phát hiện khoảng 17 em dương tính với SARS-CoV-2 và phụ huynh cũng để con ở nhà, như vậy an toàn và yên tâm hơn”, cô Thuỷ thông tin.
Cô Thủy cho biết thêm, khi học sinh là F0 nghỉ ở nhà sẽ được đưa vào lớp học online, thầy cô tổ chức dạy học online, do đó các em ở nhà cách ly cũng không bị mất kiến thức và bài tập. Như vậy, để đảm bảo kiến thức cho toàn bộ học sinh (kể các các em F0, F1), hiện trường sẽ tổ chức song song dạy trực tiếp tại trường và trực tuyến.
Học sinh, phụ huynh chung tay cùng nhà trường
Trước tình hình F0 trường học tăng, các trường cũng chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai các biện pháp phòng dịch cũng như tổ chức dạy học.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cô Lê Thị Quy Thục, Phó Hiệu trưởng cho biết, trước thực tế F0 có xu hướng tăng, nhà trường phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp và rất linh hoạt trong xử lý, chứ không phải áp dụng một cách cứng nhắc quy trình mà Sở Y tế và Sở GD&ĐT TP.HCM hướng dẫn. Ngoài ra, trường tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và địa phương để việc phát hiện F0, tách F0, F1 ra khỏi lớp được hiệu quả, tránh xáo trộn, gián đoạn việc học.
“Bây giờ nguồn lây rất là nhiều, sau đợt Tết phụ huynh và học sinh đi lại giao lưu nhiều trở về nên F0 tăng nhanh là thực tế đang xảy ra. Thêm vào đó, việc tổ chức bán trú cũng có thể là nguồn lây, nên phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của con ở nhà. Nếu các con có biểu hiện, phụ huynh sẽ báo với nhà trường, nhà trường tạo điều kiện cho các con nghỉ để theo dõi sức khỏe, tránh lây lan ở trường.
Giáo viên chủ nhiệm phải sâu sát, nắm bắt tình hình từng ngày học của các con để biết được tình trạng của lớp như thế nào, từ đó khi phát hiện F0 thì tách những bé tiếp xúc gần ra để theo dõi, xử lý”, cô Thục cho hay.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) học tập trực tiếp tại trường. (Ảnh Q.My)
Cô Thục thông tin thêm, một cách làm sáng tạo của trường là thành lập Tổ phòng, chống COVID-19 ngay tại lớp học, mỗi lớp (tùy theo sĩ số) tối thiểu có 3 em tham gia, có nhiệm vụ nhắc các bạn trong lớp thực hiện 5K trong suốt quá trình học, ăn, nghỉ ngơi tại trường.
“Tổ phòng, chống COVID-19 này sẽ kiểm tra các bạn thế nào và báo cáo giáo viên chủ nhiệm, từ đó giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình và phối hợp với phụ huynh nhắc nhở các con thực hiện nghiêm túc phòng dịch. Tổ COVID-19 của từng lớp rất hiệu quả, rèn cho cho các con một số kỹ năng, thấy được tinh thần trách nhiệm của các bạn trong lớp với nhau, gắn kết mối quan hệ giữa bạn bè trong lớp cùng tham gia chống dịch, đồng hành giảm thiểu lây nhiễm trong lớp học, cũng như trong trường”, cô Thục nói.
Ngoài ra, theo Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, lớp có nhiều F0, một số phụ huynh khác muốn con học ở nhà, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các con học online, linh hoạt kết hợp luân phiên giữa học trực tuyến và trực tiếp. Trong đó ưu tiên cho khối lớp 9 học trực tiếp, những lớp khác có thể tùy chọn theo nguyện vọng phụ huynh và diễn tiến tình hình dịch bệnh tại lớp.
Về tổ chức bán trú, nhà trường thận trọng và linh hoạt các biện pháp trong tổ chức bán trú để giảm sự lây lan dịch bệnh. Cụ thể, trường chia làm 2 ca ăn trưa, chỉ xếp 2 học sinh 1 bàn ăn. Trước đây là ăn tự chọn, nhưng hiện trường sắp sẵn cơm vào khay để tại bàn cho học sinh, không đi lại lấy thức ăn như trước. Học sinh ăn xong và đi lên lớp một chiều hạn chế tập trung, tiếp xúc.