Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Eximbank thay 'tướng', nhân tố mới gây bất ngờ

Tân Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là một nhân tố mới, không phải là ông Lê Minh Quốc, cũng không phải là bà Lương Thị Cẩm Tú.

Ngày 22/5, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ban hành Nghị quyết về việc bầu ông Cao Xuân Ninh, Thành viên Hội đồng quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng quản trị độc lập từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Ngoài ra Hội đồng quản trị cũng đã có nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – Phó Tổng Giám đốc thường trực làm Quyền Tổng Giám đốc. Việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng nêu trên đều thực hiện đúng theo trình tự thủ tục của ngân hàng Eximbank và tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Cao Xuân Ninh, tân Chủ tịch HĐQT Eximbank. 

Trước khi từ nhiệm khỏi nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Minh Quốc cho biết: “Như tôi đã thông tin trên báo chí, trong thời gian qua tôi đã mong muốn giới thiệu người có tâm vừa có tầm, là người có thể dẫn dắt ngân hàng hoạt động ổn định và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hội đồng quản trị đã bầu ông Cao Xuân Ninh đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ phiếu bầu cao, đã nói lên sự tin tưởng của HĐQT dành cho anh Ninh. Tôi mong vị chủ tịch mới sẽ giúp Eximbank bước vào thời kỳ mới với sức sống mới, đưa Eximbank phát triển một cách bền vững, nhanh chóng lấy lại vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.

Sau khi từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, tôi vẫn là thành viên HĐQT độc lập và chừng nào vẫn được cổ đông và tổ chức tin tưởng, tôi vẫn hết sức đóng góp công sức cũng như kinh nghiệm của mình để hỗ trợ HĐQT và ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Việc ông Cao Xuân Ninh trở thành Tân Chủ tịch HĐQT Eximbank là điều bất ngờ, bất chấp vụ lùm xùm tranh chấp "ghế" Chủ tịch HĐQT Eximbank, giữa cựu Chủ tịch Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú. Mặc dù ông Ninh là "nhân tố mới", song ông Cao Xuân Ninh lại là người quen của Eximbank.

Được biết, ông Cao Xuân Ninh sinh năm 1962 tại Việt Nam, là cử nhân chuyên ngành Tín dụng đối ngoại và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.

Ông Ninh đã có thâm niên nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, ông từng giữ các chức vụ chủ chốt tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam như Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Phòng Thanh toán Quốc tế -, Phó giám đốc - Chi nhánh Vũng Tàu, Phó giám đốc -  Chi nhánh Hồ Chí Minh, Giám đốc - Chi nhánh Tiền Giang, Giám đốc - Chi nhánh Kỳ Đồng.

Ông từng là Giám đốc Công ty tài chính Việt Nam tại Hồng Kông – VINAFICO; Phó Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Văn phòng đại diện - Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM.

Trước đó vào chiều 22/3, HĐQT ngân hàng Eximbank ban hành nghị quyết số 112 bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Tuy nhiên, việc chuyên giao "ghế nóng" tại Eximbank không được ông Lê Minh Quốc đồng ý. Ông Quốc cho bằng, việc đưa bà Lương Thị Cẩm Tú lên làm Chủ tịch HĐQT Eximbank và bãi nhiệm chức vụ của ông là “không có giá trị pháp lý”.

Ngày 27/3, TAND TP.HCM ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Ngày 28/3, phía ngân hàng Eximbank phát đi thông cáo khẳng định "sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp".

Ngày 29/3, Eximbank đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 của Tòa án nhân dân TP.HCM.

Trong Đại hội cổ đông diễn ra cuối tháng 4, rất nhiều nhà đầu tư chờ đợi câu trả lời dứt điểm về "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, do không đủ tỷ lệ nhóm cổ đông, đại hội cổ đông thường niên 2019 sẽ rời ngày tổ chức vào 26/5 tới đây.

Việt Vũ

Tin mới