Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Eximbank lao đao vì ‘sóng gió’ nội bộ

(VTC News) -

Từ một ngân hàng lớn, Eximbank liên tiếp gặp nhiều biến cố từ bất đồng nội bộ, tranh chấp “ghế nóng”.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank, mã EIB) từng là một trong những nhà băng gạo cội, nhưng gần đây sa sút nghiêm trọng. Nguyên nhân không phải yếu kém nghiệp vụ hay nợ xấu, mà là sự không đồng thuận, kém đoàn kết của các cổ đông lớn.

Tranh chấp ‘ghế nóng’

Dù là ngân hàng đang có tình hình tài chính khá lành mạnh, nhưng Eximbank không thể phát triển bứt phá do thiếu sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông. Nhiều vấn đề hệ trọng của ngân hàng như bổ nhiệm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật kéo dài hơn 2 năm chưa được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn, vấn đề tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, đại hội bất thường… gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Eximbank.

Ngân hàng Eximbank sa sút vì những tranh chấp nội bộ. 

Trên thực tế, vấn đề của Eximbank đã tồn tại từ nhiều năm nay. Năm 2019, Eximbank liên tục phải hoãn, dời đại hội do không có tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông. Theo kế hoạch ban đầu, đại hội cổ đông dự kiến tổ chức cuối tháng 4/2019 nhưng bất thành. Tháng 6/2019, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông lần 2 nhưng lại nổ ra tranh chấp gay gắt quanh ghế chủ tọa dẫn đến chỉ khoảng 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội. Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông một lần nữa. Đỉnh cao của phiên đại hội này là ông Đặng Anh Mai, Phó chủ tịch đứng lên đọc diễn văn chuẩn bị trước yêu cầu thay chủ tọa đoàn.

Eximbank cũng là ngân hàng liên tục thay đổi vị trí ghế "nóng" trong hơn một năm qua. Cụ thể, ngày 22/3, Hội đồng quản trị Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.  Tuy nhiên ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết 112 bầu bà Tú làm chủ tịch Hội đồng quản trị do trong quá trình triệu tập họp HĐQT để tiến hành công tác nhân sự đã vi phạm trình tự thủ tục triệu tập theo điều lệ của Eximbank.

Tiếp đó, ngày 15/5/2019, Hội đồng quản trị Eximbank tiến hành họp và ban hành nghị quyết 231 với nội dung là chấm dứt hiệu lực Nghị quyết 112 nêu trên, đồng thời vào ngày 22/5/2019 đã ban hành nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên Hội đồng quản trị, giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Dù khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo nêu trên đúng theo trình tự thủ tục của Eximbank và tuân thủ quy định của pháp luật nhưng ở cả hai lần công bố ghế chủ tịch Hội đồng quản trị, ngân hàng này đều vướng các ồn ào không đáng có.

Theo giới phân tích, Eximbank vẫn là một tổ chức tín dụng khá lành mạnh. Bằng chứng là trong 2019, dù nội bộ nhiều bất ổn, song các chỉ số tài chính cơ bản của ngân hàng vẫn tăng trưởng khá tốt. Trong đó tổng tài sản đạt 167.538 tỷ đồng, tăng 10% so với 2018; vốn huy động tăng 17%; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 113.555 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 32%... Năm 2019, ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu chỉ có 1,71%.

Thậm chí, giữa vòng xoáy tranh chấp và ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, Eximbank vẫn báo lãi trước thuế quý I/2020 tăng 31%, đạt gần 458 tỷ đồng.

“Như vậy, vấn đề của Eximbank không phải yếu kém nghiệp vụ hay nợ xấu, mà là sự không có sự thống nhất của các nhóm cổ đông lớn. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng của cổ đông trong nước hiện nay ngày càng phức tạp, dường như có một số nhóm cổ đông không muốn Eximbank ổn định để phát triển lành mạnh”, một chuyên gia kinh tế cho hay.

Tái diễn “giông bão” trước thềm đại hội 2020

Ngày 15/6, Eximbank cho biết ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường ngay sau khi tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020. Việc tổ chức phiên họp bất thường này được quyết định sau khi nhận được kiến nghị của nhóm cổ đông lớn Eximbank là cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank.

Trước đó, SMBC đã có nhiều văn bản yêu cầu tổ chức đại hội bất thường nhằm mục đích yêu cầu Hội đồng quản trị Eximbank sắp xếp triệu tập họp để yêu cầu ông Yasuhiro Saitoh thành viên HĐQT từ chức tất cả các nhiệm vụ ông này đang nắm giữ tại Eximbank.

Đồng thời SMBC cũng đề nghị bỏ phiếu theo phương thức “tín nhiệm” và không “tín nhiệm” nhằm mục đích giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 11 người xuống còn 7 người. Lý do giảm căn cứ vào đánh giá của một Ủy ban độc lập, vấn đề đáng nêu ở đây là tính “độc lập” thiếu minh bạch khi nhân sự tham gia vào ủy ban này là các nhân sự đến từ 2 nhóm cổ đông chỉ đại diện cho 45% số lượng cổ phiếu.

Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự bất đồng sâu sắc trong thời gian qua, khi các nhóm cổ đông khác cho rằng, Ủy ban độc lập không mang tính đại diện cho tất cả các cổ đông của Eximbank. Do đó, dễ hiểu là kết quả đánh giá của Ủy ban độc lập từng thành viên HĐQT có kết quả thiếu trung thực và cũng là nguyên nhân tạo ra sự bất đồng trong hoạt động của Hội đồng quản trị Eximbank trong hơn 1 năm nay.

Nếu các cổ đông đồng ý việc cắt giảm quy mô Hội đồng quản trị là cần thiết có thể xem xét các phương án như bỏ phiếu “bãi nhiệm”. SMBC nêu rõ với vai trò là cổ đông sở hữu trên 10% vốn cổ phần của ngân hàng, SMBC hoàn toàn có quyền được triệu tập đại hội bất thường trong văn bản gửi Eximbank. Về lẽ thông thường SMBC có quyền triệu đại hội đồng cổ đông bất thường.

Tuy nhiên, việc SMBC yêu cầu ông Saitoh từ chức mọi nhiệm vụ tại Eximbank là chưa hợp lý, vì nội dung này không thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông, mà việc từ chức chắc chắn phải là ý chí ông Saitoh.

Nội dung chưa hợp lý thứ 2 ở đây là việc giảm số lượng thành viên, nhưng với yêu cầu của nhóm cổ đông SMBC rất cụ thể là giảm số lượng thành viên thông qua thể thức bỏ phiếu “tín nhiệm” và “bất tín nhiệm” thì chắc chắn điều này không quy định trong bất cứ luật nào và điều lệ của Eximbank

Do đó, SMBC có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị tổ chức đại hội cổ đông bất thường theo quy định của pháp luật và điều lệ của Eximbank. Tuy nhiên việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường là vấn đề hệ trọng cần xem xét thấu đáo và các nội dung yêu cầu phải đúng quy định và phù hợp với luật pháp Việt Nam. Vì, khoản 3, điều 136 Luật doanh nghiệp và điểm d, khoản 2, điều 30 Điều lệ của Eximbank, nêu rõ cổ đông nắm giữ cổ phiếu trên 10% liên tục trên 6 tháng có quyền triệu tập Đại hội cổ đông bất thường.

Tuy vậy, việc triệu tập của SMBC có thành công theo ý của nhóm cổ đông này hay không, ngoài các nguyên nhân như đã nêu ở trên, còn có nguyên nhân chính yếu là do các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung. Điều này chưa được giải quyết khiến cho việc tổ chức đại hội lại một lần nữa làm lãng phí vô ích về thời gian và ngân sách hoạt động của ngân hàng và tổn hại đến hình ảnh của ngân hàng trước xã hội, cũng như có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc Eximbank tổ chức đại hội cổ đông bất thường ngay sau khi tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 là vấn đề rất khó hiểu. Bởi chỉ khi phát sinh vấn đề mới, hay khẩn cấp cho sự ổn định của ngân hàng thì ngân hàng mới họp bất thường. Một thành viên cao cấp của HĐQT Eximbank cho rằng việc tiếp tục triệu tập họp đại hội bất thường, trong bối cảnh đại hội cổ đông thường niên đã tổ chức và các nội dung của phiên bất thường hầu như đã giải quyết trong phiên thường niên, nên vẫn họp bất thường là không hợp lý. Tuy nhiên Hội đồng quản trị Eximbank vẫn quyết định triệu tập một mặt tuân thủ chặt chẽ luật doanh nghiệp và tôn trọng ý chí triệu tập của nhóm cổ đông SMBC.

Đáng nói, SMBC là cổ đông lâu năm, có nhiều nhân sự cử vào làm việc trong Eximbank, hiểu rất rõ với tình hình hiện tại Eximbank đang cần sự đồng thuận, ổn định nhưng liên tục gửi 4 thư triệu tập với cùng một nội dung, khiến Eximbank rơi vào tình cảnh bất ổn.

“Không ai tổ chức hai phiên cùng một ngày, kể cả cùng lập kế hoạch, dù có cách nhau hàng tháng. Tất cả những vấn đề mà cuộc họp đại hội cổ công thường niên chưa thể giải quyết. Nếu tất cả vấn đề được giải quyết trong phiên họp thường niên thì không nhất thiết phải tổ chức họp bất thường”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cho hay.

Hoàng Hưng

Tin mới