Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

EVN Hà Nội cam kết không thiếu điện trong thời gian tới

(VTC News) -

Tổng công ty Điện lực EVN Hà Nội cho biết, thành phố cơ bản không thiếu điện vào tháng 7 và tháng 8.

Chiều 30/6, tại họp báo của UBND Hà Nội, đại diện EVN Hà Nội trả lời về tình hình cung ứng điện của thành phố trong thời gian tới, nhất là khi miền Bắc khả năng nắng nóng kéo dài trong những ngày đầu tháng 7. 

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực EVN Hà Nội Lê Ánh Dương, trong kịch bản điện của Hà Nội, thành phố cơ bản không thiếu điện vào tháng 7 và tháng 8.

Trong thời gian dự kiến nắng nóng ngày 1-10/7, phía công ty cam kết đảm bảo cung ứng điện. Tuy nhiên, EVN Hà Nội cũng mong muốn nhà dân, các trụ sở, cơ quan tiết kiệm điện trong khoảng thời gian từ 10h -14h và từ 19h-23h hàng ngày để hệ thống không bị quá tải.

"Chúng tôi cam kết trong thời gian tới không thiếu điện nữa", lãnh đạo EVN Hà Nội khẳng định.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực EVN Hà Nội Lê Ánh Dương thông tin tại họp báo.

Trước đó, thông tin về tình hình cung ứng điện sau thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, từ 23/6, hệ thống điện miền Bắc sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện. 

Theo Cục Điều tiết Điện lực, nguyên nhân do lượng nước đổ về các hồ thuỷ điện những ngày qua tăng đáng kể. Bên cạnh đó, sự cố các nhà máy nhiệt điện cũng đã được khắc phục, việc đấu nối các dự án năng lượng tái tạo cũng tăng, thời tiết miền Bắc những ngày qua cũng giảm nhiệt, nhu cầu về điện không còn gay gắt.

Nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu điện xảy ra, chiều 24/6, Bộ trưởng Công Thương tổ chức họp với 10 tỉnh có điện khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bạc Liêu.

Tại thông báo kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương đề nghị tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ, hiệu quả. 

Minh Tuệ

Tin mới