Trả lời VTC News, ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty Trung Kiên Hà Nam (TP.HCM) nói: “Tuy là doanh nghiệp nhỏ nhưng mỗi tháng, doanh nghiệp của tôi cũng mất khoảng 15 - 17 triệu đồng để nộp tiền điện. Đây là một khoản chi phí không nhỏ, nhất là trong bối cảnh kinh doanh đang rất khó khăn sau đại dịch. Nếu bây giờ ngành điện được quyền tự tăng giá điện bình quân khi giá đầu vào tăng từ 1 đến dưới 5% thì tôi e là sẽ tác động đến doanh nghiệp sẽ không nhỏ. Bởi như thế, nguy cơ giá điện tăng thường xuyên là điều có thể xảy ra".
Ông Kiên phân tích thêm: Bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần điện, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít. Bởi vậy, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp, góp làm đội chi phí đầu vào, buộc nhiều doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá sản phẩm và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu. Một khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì loạt sản phẩm tăng giá thì doanh nghiệp lại dễ đối diện nguy cơ mất thị phần.
“Như chúng tôi còn đỡ vì là doanh nghiệp quy mô nhỏ, ngành nghề cũng không "ngốn" điện quá nhiều. Nhưng với những doanh nghiệp lớn, hoạt động trong ngành thực phẩm, cần kho đông lạnh với chi phí điện lên tới 200 - 300 triệu đồng mỗi tháng thì quả thật mỗi lần giá điện tăng sẽ là một đòn chí mạng, thậm chí có thể đánh sập những nỗ lực hồi phục, phát triển sau dịch của doanh nghiệp đó", ông Kiên nhận định.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ lo lắng việc giá điện tăng. (Ảnh minh họa)
Nhấn mạnh việc không đồng tình với đề xuất EVN được tự quyết tăng giá điện, ông Kiên cho rằng điện đã và đang là một ngành độc quyền trên thị trường, giờ lại được tự quyết tăng giá thì khác nào được tăng tính độc quyền, dễ đưa toàn bộ khách hàng là người dân, doanh nghiệp vào thế bị động, trở tay không kịp.
Tương tự, ông Đặng Đình Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cơ khí Lạng Giang (Bắc Giang) bày tỏ lo ngại tình trạng giá điện "nhảy múa" nếu EVN được tự quyền quyết tăng giá bán điện bình quân. Theo nhận xét của ông Bình, đề xuất mới đang chỉ chú trọng đến điều kiện tăng giá nhưng chưa chú trọng đến cơ chế giảm giá điện. Dự thảo nêu rõ, trên cơ sở khi có báo cáo về chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào ở tất cả các khâu. Nếu thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với mức giá hiện hành, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, dự thảo lại không quy định rõ thông số đầu vào giảm ở mức bao nhiêu thì cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm.
“Liệu EVN có chủ động đề xuất giảm giá điện khi giá đầu vào giảm hay không? EVN có được tự quyết giảm giá điện không, hay lại phải báo cáo lên các bộ ngành và phải đợi quy trình xét duyệt? Phải chăng có thể hiểu rằng giá điện sẽ dễ tăng hơn giảm và hoàn toàn có thể tăng nhiều lần. Trong thời kỳ mặt hàng nào cũng tăng giá như hiện nay thì thêm khoản giá điện lại liên tục tăng nữa thì doanh nghiệp thật khó làm ăn", ông Bình lo lắng.
Theo ông, việc điều chỉnh giá điện vẫn cần sự can thiệp, quản lý của cơ quan Nhà nước. Điện là vấn đề năng lượng quốc gia, Nhà nước cần phải đảm bảo an ninh năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, kinh tế phát triển. Ngoài ra, về thời điểm điều chỉnh giá điện, dự thảo đưa ra quy định từ ngày 1/10 của năm có biến động giá, là chưa hợp lý. Tháng 10 bắt đầu vào dịp tăng tốc sản xuất cuối năm của hầu hết doanh nghiệp. Việc tăng giá vào thời điểm này sẽ làm tăng đột ngột chi phí của doanh nghiệp, tác động tới kết quả kinh doanh cả năm. Điều này là không nên, ảnh hưởng tới nỗ lực phục hồi sau dịch của doanh nghiệp
EVN cần giải trình minh bạch việc thua lỗ
Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu ngành đồ uống ở Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ mình ngành điện được tự quyết tăng giá khi chịu ảnh hưởng của thông số đầu vào? Hiện tại, tình hình lạm phát trên thế giới khiến rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng giá. Hầu như doanh nghiệp nào cũng đang phải gồng mình gánh chịu tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chứ không chỉ mỗi ngành điện. Vậy trong khi các doanh nghiệp khác xoay xở đủ cách để giảm thiểu thiệt hại khi chấp nhận không tăng giá sản phẩm thì tại sao EVN lại có đặc quyền đó?".
Theo vị này, tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ của nền kinh tế đều phụ thuộc vào giá điện. Nếu giá điện tăng thì chắc chắn giá sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo. Như vậy doanh nghiệp đã khó khăn vì giá đầu vào phi mã thì nay càng thêm khó khăn vì giá điện tăng. Có thể nói, như vậy không khác gì doanh nghiệp chịu cảnh tăng giá 2 lần. "Theo tôi, nếu những ngành khác đều đang cố gắng kiềm chế tăng giá sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau thì ngành điện cũng nên làm theo, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát", vị này nói.
Do đó, vị giám đốc này cho rằng việc điều chỉnh giá điện ở thời điểm hiện tại là chưa hợp lý. Thêm vào đó, nếu việc điều chỉnh giá điện lại là do EVN tự đề xuất thì càng khiến các doanh nghiệp “khó thở" hơn bởi đầu vào cứ tăng là EVN có cớ để điều chỉnh. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp cũng không được nắm rõ chi phí đầu vào của EVN tăng như thế nào, các tính toán trong sổ sách của EVN đưa ra có hợp lý không...
Nếu muốn mọi người không băn khoăn, lo lắng và đồng tình với đề xuất này thì EVN cần giải trình rất minh bạch việc thua lỗ ra sao và cần phải có cơ quan kiểm toán vào cuộc xác minh. “Không thể chỉ nói qua loa về tình trạng thua lỗ rồi đề xuất tự mình điều chỉnh tăng giá điện được. Việc trả tiền điện là nghĩa vụ của người dân. Do đó, người dân cũng có quyền lợi được giải trình chi tiết để ai cũng hiểu được bản chất vấn đề", vị này chất vấn.
Theo dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
So với Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng, đây là điểm mới đáng chú ý vì trước đây giá bán lẻ điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên.
Tương tự, khi các thông số đầu vào trên biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân cũng được điều chỉnh giảm ở mức tương ứng nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá.
Đáng chú ý, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trong khi đó, EVN cho biết đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong nước và thế giới tăng đột biến, làm chi phí sản xuất điện tăng rất cao.
Tính toán của EVN hồi tháng 6, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 VND/kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019-2021 của các đơn vị phát điện). Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019.
Dù EVN đã nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ, nhưng với các giải pháp trong nội tại vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm. EVN đã ghi nhận khoản lỗ trên 16.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.