Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

EU tìm cách thỏa thuận lại lệnh cấm dầu Nga

(VTC News) -

Các quan chức cho biết EU chưa thống nhất được về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, nhưng khối sẽ cố gắng thảo luận lại về việc miễn trừ cho một số quốc gia.

Theo các quan chức Liên minh châu Âu, tính đến hôm 29/5, khối vẫn chưa thống nhất được về việc sẽ triển khai lệnh cấm vận dầu mỏ Nga như thế nào. Nhưng các nhà ngoại giao vẫn sẽ cố gắng đạt được tiến bộ trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ tổ chức từ 30-31/5 (giờ địa phương), trong đó cần đạt kết quả về việc miễn trừ áp dụng lệnh cấm đối với một số nước Trung Âu không giáp biển.

(Ảnh minh họa)

Hiện theo Reuters, một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói "vẫn còn quá nhiều chi tiết cần giải quyết" để thỏa thuận có thể hoàn thiện trước khi các nhà lãnh đạo EU tập trung tại Brussels chiều 30/5.

Các biện pháp cấm vận nhập khẩu dầu Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu đối với Moskva, liên quan đến xung đột tại Ukraine. Gói này cũng bao gồm các biện pháp khác như cắt ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank khỏi hệ thống SWIFT, cấm các đài truyền hình Nga tại EU, bổ sung thêm danh sách người Nga bị đóng băng tài sản và không thể vào EU.

Tuy nhiên lệnh cấm vận dầu mỏ khiến một số thành viên trong khối lo ngại và phản đối. Một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất là Hungary, khi cho rằng lệnh cấm vận có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế nước này. Ngoài dầu Nga, Hungary không thể dễ dàng lấy dầu từ các nguồn thay thế khác. Slovakia và Cộng hòa Séc cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

Các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đã diễn ra trong một tháng mà không có tiến triển gì, dù các nhà lãnh đạo khối muốn đạt được thỏa thuận để thể hiện phản ứng đoàn kết trước Moskva. Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc, Ủy ban châu Âu đề xuất chỉ áp dụng lệnh cấm đối với dầu Nga được đưa vào EU trên các tàu chở dầu, nhờ đó Hungary, Slovakia và Séc có thể tiếp tục nhận dầu Nga qua đường ống Druzhba một thời gian, cho đến khi họ sắp xếp được nguồn dầu thay thế. 

Các quan chức cho biết Budapest ủng hộ đề xuất này, nhưng các cuộc đàm phán gặp vướng mắc về vấn đề tài chính khi Hungary muốn tăng công suất đường ống dẫn dầu từ Croatia, bên cạnh đó chuyển các nhà máy lọc dầu của họ từ sử dụng dầu thô Urals sang dầu thô Brent. 

EU cũng cần thảo luận về việc làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh công bằng khi các quốc gia phụ thuộc vào dầu Brent sẽ phải đối mặt với tình trạng giá tăng do các lệnh trừng phạt. Những vấn đề này dự kiến sẽ được tiếp tục đề cập trong hội nghị thượng đỉnh tại Brussel. 

Phương Anh

Tin mới