Hôm 11/4, Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết, đến nay, các nỗ lực quốc tế trong việc ngăn chặn bạo lực tại Myanmar đã không mang lại kết quả, nói rằng "không có gì ngạc nhiên" khi Nga và Trung Quốc đang ngăn chặn nỗ lực áp đặt lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chính quyền quân sự Myanmar.
“Cạnh tranh địa chính trị giữa cường quốc sẽ dẫn đến việc rất khó tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Myanmar. Điều này chúng ta đã chứng kiến nhiều lần… Thế nhưng, nhiệm vụ của chúng ta là phải tiếp tục nỗ lực để tìm ra giải pháp”, ông Josep Borrell cho hay.
Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell. (Ảnh: AP)
Theo Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell, châu Âu đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn đối với ngành may mặc của Myanmar trong những năm gần đây, đồng thời cho biết EU có thể đề nghị tăng cường quan hệ kinh tế và đầu tư nếu quốc gia Đông Nam Á này quay trở lại con đường dân chủ.
“Quân đội Myanmar đã quen với việc bị quốc tế cô lập và đã có lịch sử hàng thập kỷ phớt lờ nguyện vọng và ý chí của công dân đất nước”, Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh.
Bình luận của ông Josep Borrell được đưa ra sau những ngày bạo lực dữ dội ở Myanmar, với các cuộc đụng độ trên khắp đất nước khiến tỷ số thiệt mạng cũng như người bị bắt giữ gia tăng. Tính đến cuối hôm 11/4, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP) cho biết, có 706 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình ở Myanmar từ sau đảo chính.
Hôm 22/3, EU ra đòn trừng phạt đối với 11 quan chức thuộc quân đội và cảnh sát Myanmar. Lệnh trừng phạt gồm đóng băng tài sản và liệt vào danh sách cấm visa của EU. Các biện pháp trừng phạt đầu tiên này dự kiến sẽ không nhắm đến các doanh nghiệp liên quan đến quân đội. Tuy nhiên, EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt với doanh nghiệp vào thời gian tới.
Hôm 9/4, một số nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Anh, Mỹ, Estonia, Pháp, Ireland và Na Uy đã đồng chủ trì tổ chức cuộc họp về tình hình Myanmar bằng hình thức trực tuyến. Phát biểu tại cuộc họp, nhiều nước thành viên bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Myanmar và lên án việc sử dụng vũ lực đối với thường dân.
Nhiều ý kiến kêu gọi kiềm chế bạo lực, tránh làm gia tăng căng thẳng tình hình và đề nghị giải quyết các khác biệt, bất đồng thông qua đối thoại và hòa giải, phù hợp với nguyện vọng của người dân Myanmar.
Đảo chính ở Myanmar diễn ra hôm 2/1 khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và loạt quan chức chính quyền dân sự bị quân đội bắt giữ. Kể từ đó, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và chính quyền quân sự lan rộng với quy mô lớn trên khắp Myanmar.