Tờ Independent cho hay đứa trẻ đặc biệt này phát triển thông qua một quá trình được gọi là điều trị hiến tặng ty thể (MDT). Trong đó, các chuyên gia lấy nhân từ một quả trứng của người mẹ - chứa DNA của người phụ nữ này - và cấy nó vào một quả trứng đã loại bỏ nhân nhưng vẫn giữ lại DNA ty thể khỏe mạnh của người hiến tặng.
Đó là một biện pháp nhằm tạo ra phôi IVF không ẩn chứa các đột biến có hại mà người mẹ mang theo cũng như có khả năng truyền lại cho con cái của họ.
Đứa trẻ đặc biệt này phát triển thông qua một quá trình được gọi là điều trị hiến tặng ty thể (MDT) (Ảnh minh họa: CCO)
Không giống như DNA thông thường có thông tin di truyền giúp tạo nên mỗi cá nhân chúng ta, DNA ty thể cung cấp năng lượng cho tế bào nên được so sánh với một cục pin.
Nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này khẳng định thuật ngữ “em bé có ba cha mẹ” là không chính xác, vì hơn 98,8% DNA vẫn là từ hai người.
Quốc hội Anh đã bật đèn xanh cho quy trình IVF này vào năm 2015 và giao cho Cơ quan Phôi học và Thụ tinh Con người (HFEA) giám sát.
Tính đến cuối tháng 4/2023, HFEA cho biết đã có “một vài” đứa trẻ có DNA của ba người đã chào đời tại Anh, song không tiết lộ danh tính vì lo ngại có thể ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của họ.
Anh không phải là quốc gia đầu tiên chứng kiến những em bé được sinh ra nhờ phương pháp MDT. Ca sinh đầu tiên của một đứa trẻ thông qua MDT xảy ra năm 2016 tại Mexico, với cha mẹ là một cặp vợ chồng người Jordan và quy trình này được giám sát bởi các chuyên gia sinh sản Mỹ.
Mẹ của đứa trẻ này mắc hội chứng Leigh, một chứng rối loạn nguy hiểm ảnh hưởng đến hệ thần kinh đang phát triển và có thể đã di truyền trong DNA ty thể của cô ấy.