Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhạc sĩ Dương Trường Giang: 'Điều tệ nhất của đàn ông là phán xét phụ nữ'

(VTC News) -

Tự nhận mình chưa đạt đến "cảnh giới" hiểu phụ nữ, nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng đối với đàn ông, đánh giá, phán xét phái đẹp là điều cực kỳ tồi tệ.

Video: Dương Trường Giang chia sẻ cảm xúc khi được gọi là "Tiểu Phú Quang"

Chưa đạt "cảnh giới" hiểu phụ nữ

- Cơ duyên nào đưa anh đến với việc viết nhạc cho bộ phim "Cát đỏ" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh?

Vào khoảng tháng 5/2020, tôi nhận được điện thoại của đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC - mời tôi làm nhạc cho phim Cát đỏ. Một tháng sau đó, tôi gặp đạo diễn Lưu Trọng Ninh, trò chuyện và được xem trước hai tập phim dựng thô. Cuộc trò chuyện và cảm xúc bộ phim mang lại khiến tôi nhận lời và về làm nhạc. Trước khi phim lên sóng, tôi có viết thêm ca khúc Chuyện của cát để dành riêng cho bộ phim.

- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nổi tiếng khó tính. Anh có gặp khó khăn gì khi làm việc chung?

Những nghệ sĩ giỏi sẽ rất cá tính, làm việc với những người như thế luôn khiến tôi có rất nhiều cảm hứng, khiến tôi phải cẩn thận hơn, chuyên nghiệp hơn.

Trong cuộc gặp mặt đầu tiên, chú Ninh nói rõ những yêu cầu của chú với phần nhạc phim Cát đỏ. Thế nhưng, tôi thấy mình cần phải làm hơn thế. Tôi muốn phần âm nhạc của mình không chỉ chắp cánh cho bộ phim tới gần hơn với khán giả, giúp cảm xúc của nhân vật thăng hoa hơn mà còn muốn đưa cái tôi của mình vào trong đó, cũng như cân nhắc thay đổi một số yếu tố để phần âm nhạc phù hợp hơn với tai nghe của đại chúng.

 

- Dường như cách làm nhạc phim của anh rất khác so với các nhạc sĩ khác?

Cách làm nhạc phim thông thường là ê-kíp làm phim sẽ gửi cho nhạc sĩ kịch bản văn học, sau đó là từng phân đoạn, từng mạch cảm xúc để đạo diễn có thể nương theo để làm nhạc.

Nhưng tôi lại chọn một con đường khác. Tôi đề nghị ê-kíp làm phim cho tôi xem trọn vẹn các tập phim để làm nhạc cho phù hợp. Với cách làm này, mỗi tuần tối đa tôi chỉ làm được 2 - 3 tập. Cát đỏ có 30 tập, nếu làm theo cách của nhiều nhạc sĩ khác, tôi sẽ chỉ mất khoảng 2 tuần để làm nhạc, nhưng làm theo cách của riêng mình, tôi phải đi một hành trình rất dài.

Tuy nhiên, với tôi vất vả hay mất thời gian cũng không sao cả, miễn là tôi có thể giúp đạo diễn chuyển tải cảm xúc của nhân vật, của bộ phim đến với khán giả.

Tôi không đánh giá cách làm nhạc phim của những đồng nghiệp khác là hay hay dở. Tôi chỉ thấy cách làm đó là chưa đủ đối với tôi. Tôi muốn được sống trong tác phẩm một cách trọn vẹn, chuyển tải những cảm xúc chân thực của mình tới công chúng. Tôi muốn âm nhạc của tôi phải chắp thêm cánh cho bộ phim, để mỗi khi cái tên Dương Trường Giang hiện lên trong phần giới thiệu, tôi cảm thấy tự hào và mọi người cũng nhận ra chất riêng của tôi.

 

- "Cát đỏ" là cuộc đời, là những câu chuyện tình trắc trở của phụ nữ. Là nhạc sĩ nam, anh có tự tin mình hiểu được tâm lý của họ để có thể viết những bản nhạc phù hợp?

Hiểu phụ nữ là điều cực kỳ khó. Có những người đàn ông phải đi tới những bước cuối trong cuộc đời mình mới hiểu được người phụ nữ sống cùng họ.

Điều tốt nhất mà một người đàn ông có thể làm được, đó là cảm thông và chia sẻ với phụ nữ.

Dương Trường Giang

Tôi không dám nói mình hiểu được phụ nữ. Đó là "cảnh giới" khó có thể đạt được (cười). Tuy nhiên, tôi quan niệm, đối với phụ nữ, đánh giá, phán xét họ là điều cực kỳ tồi tệ. Điều tốt nhất mà một người đàn ông có thể làm được, đó là cảm thông và chia sẻ. Khi bạn có suy nghĩ đó, việc làm nhạc sĩ trở nên rất tuyệt vời.

"Tôi khác Phú Quang"

- Dương Trường Giang của cái thuở mới vào nghề từng tuyên bố: "Tôi chỉ viết nhạc được trong những đêm mưa". Còn hiện tại, anh đã làm việc một cách rất có kế hoạch và chuyên nghiệp. Điều gì đã khiến anh thay đổi?

Đó là kết quả của những năm tháng tôi học ở trường nhạc, ra đời và làm việc. Việc tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp khiến tôi thay đổi. Tôi nghĩ, mình cần phải chuyên nghiệp với bản thân và cảm xúc của mình. Tôi luôn đặt yếu tố cảm xúc lên hàng đầu, không bao giờ viết về những thứ không chạm tới trái tim tôi. Tôi không bao giờ muốn viết nhạc với những cảm xúc vay mượn. Tôi viết nhạc với những cảm xúc chân thật nhất.

Tôi luôn quan niệm, người làm nhạc và người chép sử có rất nhiều điểm tương đồng. Đó là họ kể lại câu chuyện chân thực nhất ở chính thời đại mà họ đang sống. Đó là lý do vì sao một ca khúc vang lên, khán giả có thể biết ngay nó được viết trong khoảng thời gian nào.

Tuy nhiên, sau nhiều năm làm nghề, tôi đã biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình, lúc nào cần nhân nó lên, lúc nào cần giữ nó lại. Vì thế, bây giờ tôi có thể viết ca khúc, viết nhạc vào bất cứ lúc nào tôi muốn.

 

- Có người gọi Dương Trường Giang là "nhạc sĩ của Hà Nội"...

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Những bước đi đầu tiên của tôi, những rung động đầu tiên của tôi, mối tình đầu tiên của tôi... tất cả đều diễn ra ở Hà Nội. Vì thế, tôi chọn viết về cái gì mình gắn bó và hiểu rõ nhất. Nếu nói tôi là nhạc sĩ của Hà Nội, thì với tôi, đó là sự ghi nhận, rất đáng tự hào.

- Và cũng từng có người gọi anh là "Tiểu Phú Quang"? 

Tôi viết ca khúc đầu tiên vào năm 2005. Hai năm sau đó, tôi được một số người gọi với danh xưng trên. Với tôi, đó là một lời khen, một sự động viên lớn để tôi thêm vững tin vào con đường mình đang đi chứ không có gì gọi là tự ái.

Chú Phú Quang là một trong những nhạc sĩ viết rất hay về Hà Nội. Tới giờ này, khi mỗi tác phẩm của chú vang lên, từ người lớn tuổi đến trẻ tuổi đều thấy xúc động. Tôi cũng luôn muốn các ca khúc của mình chạm được tới cảm xúc của người nghe.

Được gọi là "Tiểu Phú Quang", tôi hạnh phúc. Tôi rất ngưỡng mộ chú nhưng chưa bao giờ nghĩ mình đang đứng dưới bóng của nhạc sĩ Phú Quang. Có thể, âm nhạc của tôi và chú có điểm chung là tình yêu đối với Hà Nội, nhưng chúng tôi khác nhau. Chú Phú Quang thiên về nhạc tình, còn âm nhạc của tôi khá gai góc.

Jazz, blue hay pop, rock đều không phải dòng nhạc tôi hướng tới. Tôi không bó buộc mình trong bất cứ thể loại âm nhạc nào. Cái tôi hướng tới là một dòng âm nhạc của riêng mình. Chất nhạc của mỗi thể loại chỉ là công cụ chuyển tải thông điệp của tôi ở một thời điểm cụ thể. Có thể ở thời điểm này, tôi cần một chút phiêu lãng của jazz để kể câu chuyện của mình, thời điểm khác, có thể tôi lại thấy pop mới nói hết được tình yêu của tôi với Hà Nội. Đến một thời điểm nào đó, pop - ballad mới phù hợp kể chuyện tình của tôi...

 

"Viết theo đặt hàng hay chứ"

- Âm nhạc của anh được nhận xét là gai góc; còn con người anh thế nào?

Tự đánh giá về bản thân của mình là điều rất khó, nhưng tôi nghĩ trong cuộc sống mình là người nhiệt huyết, luôn sống trọn vẹn với cảm xúc của mình chính. Với tôi, được cũng vui mà thua cũng vui. Đi qua mỗi câu chuyện, dù kết quả thế nào chúng ta cũng có hai thứ, đó là kinh nghiệm và trải nghiệm.

Với tôi, hai cái đó đều quý giá như nhau. Tôi hy vọng mình sẽ không bao giờ ngã hai lần ở cùng một vấn đề.

Tôi cũng là người có thể tin được. Khi các bạn kể cho tôi nghe một câu chuyện, tôi sẽ giữ bí mật của các bạn, các bạn chia sẻ niềm vui với tôi, tôi có thể chia vui cùng các bạn. Các bạn có thể đi cùng tôi, tôi sẽ chia sẻ không gian của mình với các bạn.

- Một số nhạc sĩ từng chia sẻ, họ không thể viết nhạc theo đơn đặt hàng. Còn anh thì sao?

Viết theo đơn đặt hàng hay chứ. Khi đó, đại diện nhãn hàng sẽ trở thành bạn của tôi. Chúng tôi sẽ có những buổi chiều ngồi cafe, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của bạn mình. Tôi sẽ tặng cho bạn mình một món quà, đó là bản nhạc. Nếu họ thích món quà đó, tôi sẽ rất hạnh phúc. Còn nếu họ không thích, tôi sẵn sàng trao đổi với họ. Còn khi cả hai đã trao đổi rồi mà vẫn không tìm được tiếng nói chung, tôi sẵn sàng giới thiệu họ với những người phù hợp hơn.

Chỉ có điều, tôi phải chia sẻ thật rằng các nhãn hàng thường thích những bản nhạc dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc, nhưng khi viết tác phẩm, tôi luôn có xu hướng làm hơn thế. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, ít ra là theo sự đánh giá của tôi. Tôi không thể ép mình viết những tác phẩm mà người khác thích nhưng bản thân không hài lòng.

Có thể với những người khác, viết ca khúc dễ nghe, dễ thuộc, dễ hát và đôi khi cả dễ quên là điều dễ dàng, riêng với tôi thì cực kỳ khó. Ngược lại, khi được làm việc đúng với sở trường, với niềm yêu thích của mình, tôi sẽ không thấy công việc vất vả nữa.

 

- Trong hơn chục năm làm nghề vừa qua, đâu là cú ngã khiến anh khó quên nhất?

Tôi vốn học thanh nhạc và từng tham gia một cuộc thi hát chuyên nghiệp, khá có tiếng ở thời điểm đó. Khi các bạn của tôi đều lọt vào vòng trong, tôi trượt. Tôi không buồn vì kết quả mà sợ phải nhìn thấy ánh mắt những người xung quanh, những người từng đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng vào tôi.

Ngày đó, tôi viện lý do này, lý do kia để bào chữa cho thất bại của mình. Nhưng bây giờ, tôi đã đủ trưởng thành để hiểu rằng, mình thất bại vì hồi đó năng lực mình chưa đủ.

Khi tôi mới bước chân vào lĩnh vực âm nhạc, bố mẹ rất lo lắng. Họ muốn tôi chọn một ngành nghề khác ổn định hơn. Vậy nên, trong giai đoạn đầu, tôi thường phải kể cho bố mẹ nghe mình đã làm được những gì, mình tiến bộ ra sao. Mục đích của tôi không phải là khoe, đơn giản hơn là để bố mẹ an tâm về mình. Nhưng từ sau thành công của Phố không mùa, tôi không cần phải làm thế nữa. Bây giờ, tôi không cần phải nói nhiều. Bố mẹ đã tin tưởng vào sự lựa chọn của tôi và quan trọng hơn cả, tôi cũng tin vào con đường mình đang đi.

Giờ đây, tôi nghĩ  mình không cần phải nói nhiều, nhưng mọi người vẫn biết tôi là ai và tôi đang làm gì.

Thu Giang

Tin mới