Cụ thể, theo báo cáo Bộ Kế hoạch - Đầu tư gửi Chính phủ, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng 16.123,632 tỷ đồng (khoảng 82%). Nguyên nhân do thay đổi về quy mô đầu tư tăng 1.802,868 tỷ đồng (khoảng 9%), thay đổi tỷ giá quy đổi 2.235,263 tỷ đồng (khoảng 11,4%), các nguyên nhân về giá tăng 6.762,103 tỷ đồng (khoảng 34,5 %), thay đổi về chế độ chính sách và các quy định của Nhà nước liên quan đến việc xác định, quản lý chi phí đầu tư tăng 5.323,398 tỷ đồng (khoảng 27,1%).
Tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2015 nhưng đến nay chưa khởi công. (Ảnh: Vietnamfinance)
Đánh giá về hiệu suất đầu tư của dự án, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tổng chi phí đầu tư/km của dự án điều chỉnh là 143 triệu USD/km. So sánh với một số dự án xây dựng tàu điện ngầm khác ở châu Á trong 10 năm qua như: Dự án MRT Jakarta giai đoạn 1 của Indonesia (năm 2014), chi phí đầu tư là 165 triệu USD/km, dự án KVMRT 1 của Malaysia (năm 2011) là 125 triệu USD/km…
“Như vậy, chi phí đầu tư/km của dự án điều chỉnh do UBND thành phố Hà Nội báo cáo cơ bản phù hợp với Dự án MRT Jakarta giai đoạn 1 của Indonesia sử dụng vốn ODA Nhật Bản”, báo cáo nêu rõ.
Trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thực hiện các rà soát, kiểm soát chặt chẽ và xác định chi phí hợp lý các hạng mục thuộc hệ thống cơ điện, phù hợp quy định và thông lệ quốc tế, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được thiết kế dài 11,5km (đi ngầm gần 9km), có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Năm 2018, dự án được tính toán với tổng mức đầu tư 34.678 tỷ đồng, dùng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
Một trong những vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan, chuyên gia đối với dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đó là việc nên hay không nên quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (dưới phố Đinh Tiên Hoàng và một phần vườn hoa Hồ Gươm) theo đề xuất của UBND TP.Hà Nội.
Nhà ga C9 được thiết kế 3 tầng, chiều dài 150 m, rộng 21,4m và sâu 17,45m. Xung quanh khu vực này có quần thể các công trình tượng đài Cảm Tử, đền Bà Kiệu, đền Bút Tháp, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ.
Tuyến đường sắt dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2015 nhưng đến nay chưa khởi công, thời gian hoàn thành xây dựng dự kiến vào năm 2027, chậm 12 năm so với kế hoạch.