Bình luận về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng liên quan đến một số tuyến đường sắt liên vận, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chiều 22/4 cho rằng, các tuyến đường sắt liên vận xuyên biên giới giữa hai nước mới đi vào vận hành đã tạo động lực mới cho hợp tác giữa hai bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)
Ông khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng cùng với phía Việt Nam không ngừng thúc đẩy hợp tác kết nối giữa 'Vành đai và Con đường' và 'Hai hàng lang, Một vành đai', phát huy triệt để hiệu năng của đường sắt liên vận xuyên biên giới, đảm bảo sự ổn định thông suốt của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp, giúp nâng cao chất lượng và nâng cấp quan hệ hợp tác thiết thực Trung - Việt, đóng góp tích cực vào sự phục hồi của nền kinh tế khu vực và thế giới”.
Ông Triệu dẫn số liệu của Trung Quốc cho biết, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vượt 230 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Ông đánh giá, “quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên có tiềm năng to lớn và triển vọng rộng lớn”.
Trước đó, trong hai ngày 15 và 16/4, một số tuyến đường sắt liên vận, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu giữa một số địa phương Trung Quốc với Việt Nam, gồm tuyến An Huy - Hà Nội và Thành Đô - Hà Nội đã đi vào khai thác.
Trả lời báo chí về vấn đề này, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng chiều 21/4 nhấn mạnh, đường sắt liên vận quốc tế là phương thức vận tải an toàn, hiệu quả, với nhiều ưu điểm về thời gian và giá thành vận chuyển, sẽ góp phần thúc đẩy giao thương thông suốt giữa hai nước Việt - Trung cũng như kết nối tới các thị trường khác. Việt Nam và Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhau, kết nối vận tải đường sắt phù hợp với hợp tác giữa hai bên.