Đường sắt đô thị được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc những thách thức đặt ra đối với giao thông đô thị như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường,…
Tại lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 vào sáng 14/5, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Metro Hà Nội (Hanoi Metro), cho biết đến nay, tuyến đã vận hành được 554 ngày an toàn (ngày 6/11/2021 đưa vào khai thác), bước đầu hình thành một số lượng lớn người dân luôn ưu tiên lựa chọn phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại yêu thích, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Thống kê của Hanoi Metro cho thấy hiện tại mỗi ngày có trên 32.000 hành khách sử dụng tuyến là phương tiện đi lại, trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận các nhà ga của tuyến. Hiện nay hành khách đã chấp nhận đi bộ để tiếp cận các nhà ga (thậm chí trên 2km) và sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận các nhà ga. Cũng theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ôtô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến.
Nhiều hành khách đã lựa chọn đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
“Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường,” ông Trường nhìn nhận.
Vị Tổng giám đốc Hanoi Metro cũng cho hay theo tính toán, cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị sẽ giảm được 63.000 giờ tham gia giao thông trên đường và đem lại hiệu quả kinh tế trên 30 tỷ đồng. Về giảm thiểu ô nhiễm, cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì sẽ giảm được khoảng 100 tấn phát thải khí các bon, nito, Hydrocacbon…
Đánh giá phương tiện vận tải công cộng nói chung, đặc biệt đường sắt đô thị là phương tiện thân thiện và an toàn, ông Trường cho biết việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông nhất là với các đô thị đang sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu như ở Việt Nam hiện nay.
“Đô thị hóa là xu hướng khách quan của quá trình phát triển nhưng cũng đem lại những thách thức và sức ép giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giao thông đô thị như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường,… Do đó, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công công mà xương sống là đường sắt đô thị luôn được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc những thách thức đặt ra đối với giao thông đô thị, đây cũng là xu hướng chung mang tính toàn cầu,” người đứng đầu Hanoi Metro nói./.