Theo ông Thể, ngày 4/1 tới, đơn vị Tư vấn ACT (Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống) sẽ tiếp tục phát hành báo cáo đánh giá an toàn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Sau ý kiến cuối cùng của đơn vị tư vấn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan nghiệm thu dự án có điều kiện theo quy định của Chính phủ. Sau đó, dự án được bàn giao cho Hà Nội để tiếp tục đánh giá an toàn hoặc vận hành thương mại; những hạng mục còn lại sẽ từng bước hoàn chỉnh.
Từ 12/12, tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử như khai thác thương mại để đánh giá an toàn, phục vụ công tác nghiệm thu.
Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa). Tốc độ chạy tàu trung bình 35 km/h (thiết kế 80 km/h), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người.
Các đoàn tàu chạy với tần suất đến ga 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến. Tại mỗi ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đoàn tàu vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn Pháp đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống.
Căn cứ kết quả vận hành thử, trong quý I/2021, Liên danh tư vấn độc lập Pháp dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án, sau đó Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Sở Giao thông vận tải ngày 22/12/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, tới đây sẽ kiện toàn lại Tổ công tác liên ngành để thường xuyên thực hiện công tác rà soát, lên kế hoạch và phương án cụ thể trong việc tiếp nhận, vận hành tuyếnđường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đặc biệt, toàn bộ vấn đề pháp lý, kỹ thuật, vận hành an toàn thuộc trách nhiệm của thành phố nên cần tính toán chặt chẽ để thực hiện tốt nhất yêu cầu sau khi thành phố tiếp nhận.