Đường không ưu tiên được giải thích theo quy định tại khoản 3.8 Điều 3 Phần 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ là đường giao cùng mức với đường ưu tiên.
Phụ lục C về Ý nghĩa - sử dụng biển báo nguy hiểm và cảnh báo ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ cũng quy định, trên đường ưu tiên, để báo trước sắp đến nơi giao nhau với đường không ưu tiên, đặt biển số W.207 (a,b,c,d,e,f,g,h,i,k,l).
Tùy theo hình dạng nơi giao nhau và hướng đường ưu tiên hay không ưu tiên để chọn kiểu biển hoặc vẽ hình dạng hình vẽ cho phù hợp với thực tế nút giao.
Tại chỗ đường giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc tương tự, tùy theo điều kiện giao thông có thể xem xét sử dụng biển số W.207 khi cần thiết.
Hệ thống biển bảo hiệu giao nhau với đường không ưu tiên.
Cùng với đó, căn cứ theo phụ lục kể trên, khi đường ưu tiên giao với nhiều đường không ưu tiên liên tiếp với mật độ lớn thì sử dụng biển số W.207d hoặc số W.207e kết hợp với sử dụng biển phụ để xác định phạm vi tác dụng của biển (phạm vi đoạn đường giao với nhiều đường không ưu tiên liên tiếp). Trong phạm vi tác dụng của biển số W.207d và W.207e, không cần thiết phải đặt các biển số W.207 khác.
Trong khi đó, căn cứ theo khoản 3.6 Điều 3 Chương 1 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được đặt biển báo hiệu đường ưu tiên.
Căn cứ theo quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên như sau:
Đối với xe ô tô:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng (căn cứ theo điểm n khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Trong trường hợp gây tại nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng (căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, một số cụm từ bị thay thế bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
- Trong trường hợp gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Đối với xe máy chuyên dùng, máy kéo:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng (căn cứ theo điểm đ khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Trường hợp gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện):
- Phạt tiền từ 80.000 đồng - 100.000 đồng đối với hành vi vi phạm. (điểm n khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).