Sau khi vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương (ở số 366, Lê Quý Đôn, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bị bắt để điều tra về tội Cố ý gây thương tích, người dân tố cáo hàng loạt sai phạm, hành vi ngang ngược, bất tuân pháp luật của băng nhóm xã hội đen do Đường cầm đầu.
Trong số đó, vụ Đường chiếm đóng trái phép, hủy hoại tài sản của Công ty TNHH Gỗ Lâm Quyết (xã Vũ Chính, TP Thái Bình) và vụ đánh đập mẹ con bà Đinh Thị Lý (56 tuổi) tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP Thái Bình) gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, điều lạ lùng là khi phóng viên VTC News đến làm việc với Thường trực HĐND xã Vũ Chính và Thường trực HĐND TP Thái Bình, cả hai cơ quan này đều trả lời, họ không nhận được đơn thư của người dân cũng như phản ánh từ đại biểu HĐND ứng cử tại địa phương.
Ngày 21/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường về tội Cố ý gây thương tích tại trụ sở Công an phường Trần Lãm.
HĐND xã không nhận được phản ánh
Từ năm 2017 tới nay, gia đình Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Quyết liên tục làm đơn tố cáo, kêu cứu về việc bị Nguyễn Xuân Đường cùng đàn em chiếm đóng công ty trái phép, hủy hoại tài sản.
Trả lời VTC News về việc xử lý vụ việc này, ông Phạm Xuân Bền – Phó chủ tịch Thường trực HĐND xã Vũ Chính - nói ông mới đảm nhận chức vụ này được hơn 1 tháng. Trước đó, ông là Trưởng Công an xã và là đại biểu HĐND xã.
Khi nhận bàn giao từ người tiền nhiệm, ông Bền không nhận được văn bản nào liên quan đến tố cáo của người dân, kiến nghị của cử tri hoặc thông tin dư luận phản ánh sự việc xảy ra ở Công ty Lâm Quyết.
Công ty TNHH Lâm Quyết bị đập phá nhiều năm nay, nghi do Nguyễn Xuân Đường và đàn em làm.
Nhiệm kỳ 2016-2021, trong các kỳ họp HĐND xã, thường trực HĐND xã và đại biểu HĐND xã ứng cử tại thôn có Công ty Lâm Quyết hoạt động không có ý kiến phản ánh hay đề cập gì đến vụ việc này.
Do đó đến nay, Thường trực HĐND xã chưa có văn bản nào kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, xử lý để bảo vệ công dân cũng như doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Bền cho biết thêm, tháng 10/2017, khi đang làm Trưởng Công an xã Vũ Chính, ông nhận được tin báo một số người vận chuyển gỗ ra khỏi công ty Lâm Quyết trong khi chủ doanh nghiệp không có nhà.
Ông Bền cùng công an viên xuống lập biên bản, bàn giao cho 2 nhân viên của công ty có trách nhiệm quản lý, trông coi.
Những ngày sau đó, ông Bền tiếp tục nhận được tin báo có nhiều người đến vận chuyển gỗ ra ngoài khuôn viên công ty nên báo cáo lãnh đạo địa phương và thuê xe tải đến thu gom, chở những thanh gỗ, cánh cửa bị vứt ra ngoài khuôn viên về trụ sở công an xã quản lý.
Tổng cộng có 30 thanh gỗ, 3 cánh cửa và một bộ đỉnh thờ bằng kim loại, màu vàng. Khi công an xã cử lực lượng đến hiện trường, những người thực hiện hành vi trên đều bỏ chạy, không bắt giữ được ai.
Những ngày sau đó, chính quyền địa phương không nhận được đơn thư của gia đình ông Lẫm tố cáo Đường Dương cùng đàn em chiếm đóng trái phép công ty. Hàng ngày, nếu nắm bắt được tình hình gì mới, ông Bền vẫn báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Công an TP Thái Bình và lãnh đạo xã.
Ông Bền cho biết thêm, khi nhận được đơn, Chủ tịch UBND xã giao cho công an xã xuống công ty xác minh sự việc. Tuy nhiên, khi công an xã viết giấy mời công ty đến làm việc thì ông Lẫm không có ở công ty, không biết ở đâu.
“Không xác minh, giải quyết được nên tôi báo cáo lại Chủ tịch UBND xã và lãnh đạo Công an TP Thái Bình”, ông Bền nói.
HĐND Thành phố không hay biết
Chiều 22/4, trả lời VTC News, ông Phạm Đức Toàn - Phó Ban Pháp chế HĐND thành phố Thái Bình cho biết, từ tháng 10/2017 tới nay, Thường trực HĐND thành phố không nhận được đơn thư phản ánh hay kiến nghị nào của bị hại hoặc của công dân về vụ việc xảy ra tại Công ty Lâm Quyết cũng như việc mẹ con bà Đinh Thị Lý bị đánh tại trụ sở Công an phường Trần Lãm.
“Tại mỗi kỳ họp của HĐND thành phố, các đại biểu, tổ đại biểu, các đơn vị, các tổ đều phải tổng hợp ý kiến cử tri tại đơn vị mình ứng cử, tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND thành phố và Thường trực sẽ báo cáo tại kỳ họp HĐND TP Thái Bình.
Tuy nhiên, qua các kỳ họp thường kỳ của HĐND TP Thái Bình xác định không có ý kiến cử tri nào liên quan hai vụ việc trên”, ông Toàn nói và cho biết, HĐND nắm được vụ việc chủ yếu do dư luận, báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật làm mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Phạm Đức Toàn (bên phải) - Phó Ban Pháp chế HĐND TP Thái Bình
Khi được hỏi ngoài nguồn đơn thư phản ánh hay kiến nghị của bị hại, của công dân, đại biểu HĐND tại địa phương có nghe dư luận để nắm bắt vụ việc hay không, ông Toàn trả lời, ông không phải là người phát ngôn của HĐND TP Thái Bình, chỉ được ủy quyền trả lời nội dung phóng viên gửi từ trước.
Tuy nhiên, ông Toàn cũng chia sẻ, đại biểu ứng cử tại các đơn vị đó không phải chỉ tiếp nhận bằng con đường trực tiếp mà có thể gián tiếp. Nhưng xét mặt thực tế, vụ việc bà Đinh Thị Lý xảy ra năm 2014, thuộc nhiệm kỳ trước.
Vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Lâm Quyết, theo ông Toàn, cơ bản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh (TAND, Viện KSND tỉnh Thái Bình…).
“Thường trực HĐND thành phố cũng trao đổi với đại biểu ứng cử, trách nhiệm của đại biểu là thường xuyên giám sát tâm tư nguyện vọng, sự kiện, sự việc liên quan tới pháp luật tại địa phương để phản ánh kịp thời tới cơ quan có thẩm quyền”, ông Toàn nhấn mạnh.
Về trách nhiệm với cử tri, người dân cũng như thiếu sót, khuyết điểm của Thường trực HĐND TP Thái Bình trong kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật ở địa phương, một lần nữa, ông Toàn cho biết không được ủy quyền trả lời các nội dung này.
Con trai bà Đinh Thị Lý bị Đường Dương đánh đập tổn hại 15% sức khỏe tại trụ sở Công an phường Trần Lãm.
Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu người dân đưa đơn phản ánh tới HĐND nhưng HĐND không giám sát, không làm tới nơi tới chốn, để mất quyền lợi của cử tri, của người dân thì đó là trách nhiệm của HĐND tại đơn vị chưa thực hiện hết chức năng.
Nếu tổ chức, cá nhân, cử tri không gửi đơn thư tới thường trực HĐND tỉnh Thái Bình hoặc TP Thái Bình, tổ đại biểu thì các đại biểu cũng không biết được.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng đặt ra giả thiết, trong trường hợp các đại biểu HĐND tại địa phương biết vụ việc nhưng bỏ lơ, đó là biểu hiện đại biểu thực hiện không đến nơi đến chốn phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của công dân. Nhưng giả thiết này, ông Hòa nhấn mạnh, cần có bằng chứng, cơ sở chắc chắn.
Mục 5 Điều 97 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định: Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Điều 98. Quyền của đại biểu HĐND khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, quy định:
1. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu HĐND quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu HĐND biết. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.
Video: Nguyễn Xuân Đường bị khởi tố vì đánh vỡ mặt hàng xóm tại trụ sở công an