Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đường chục tỷ đồng vào lăng vua chưa dùng đã hỏng và sự biến mất kỳ lạ của 2 cây thông cổ

(VTC News) -

Chỉ dài 1,5km, được đầu tư hơn chục tỷ đồng nhưng con đường vào lăng vua Gia Long chưa dùng đã hỏng, cùng với đó là sự biến mất kỳ lạ của 2 cây thông cổ thụ khiến dư luận bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có chuyến kiểm tra, đánh giá những tồn tại ở dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà).

Sau khi nắm bắt những tồn tại, hư hỏng của tuyến đường bê tông thuộc dự án nói trên, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đánh giá: “Đây là “bệnh” không phải do làm ẩu mà vì thiếu kinh nghiệm: từ tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đến quản lý dự án, nhà thầu. Nhưng rất may, công trình chỉ bị nứt cục bộ”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp kiểm tra những tồn tại ở dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long. (Ảnh: UBND Thừa Thiên - Huế)

Doanh nghiệp tài trợ tiền làm đường

Theo tìm hiểu, số tiền gần 20 tỷ đồng để thực hiện dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long không phải trích từ ngân sách nhà nước mà do Tập đoàn Phương Trang tài trợ.

Quyết định tài trợ được đưa ra khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao quyết định đầu tư dự án Khu Liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors cho Công ty Cổ phần Kim Long Nam (thuộc tập đoàn Phương Trang) ở điện Thái Hòa (Đại Nội Huế). Nguồn tiền này sau đó được chuyển về UBND thị xã Hương Trà để thực hiện dự án.

Công trình nâng cấp, mở rộng đường vào lăng vua Gia Long được đầu tư hơn 13 tỷ đồng chỉ với hơn 1,5km nhưng đã xuất hiện những vết nứt, hư hỏng. (Ảnh: Việt Hoàng)

 

Thế nhưng, khi dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long hoàn thiện thì bắt đầu xuất hiện những bất cập khiến dư luận bức xúc.

Đầu tiên là việc đoạn đường dài 1,5km được đầu tư đến 13 tỷ đồng với chất lượng bê tông M350, dày 24cm nhưng chưa dùng đã hư hỏng, nứt nẻ.

Ở khu vực bãi giữ xe, tại hạng mục kè cũng xuất hiện nhiều vết nứt, cùng với đó, hàng cây thông chỉ mới trồng được một thời gian ngắn thì nay chết khô, héo úa.

Rất nhiều cây thông hai bên đường mới trồng bị chết héo, một số cây chết đã được nhà thầu đào đi chỗ khác. (Ảnh: Việt Hoàng)

 

Sự biến mất kỳ lạ của 2 cây thông cổ

Người tham quan vốn ấn tượng với 2 cây thông nằm đối xứng nhau được ví như 2 cột trụ biểu đón khách đến lăng vua Gia Long. Tuy nhiên, sau khi thực hiện dự án trên thì 1 trong 2 cây thông kể trên biến mất một cách khó hiểu.

Theo thông tin mà PV VTC News có được, cây thông nói trên cùng với một cây thông cổ thụ khác bị nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cưa đi với lý do vướng vào mặt bằng thực hiện con đường bê tông thuộc dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long.

Lãnh đạo Phòng Cảnh quan Môi trường Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lý giải việc cưa hạ 2 cây thông bắt nguồn từ việc đơn vị này nhận được công văn đề nghị di dời 2 cây thông của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà (chủ đầu tư dự án).

Hai cây thông được ví như trụ biểu trên con đường dẫn vào lăng vua Gia Long lúc chưa bị đốn hạ. (Ảnh: Tư liệu)

Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị nói trên chỉ cung cấp được phiếu xử lý công văn của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà và một biên bản xác nhận khối lượng của 2 cây thông bị cưa hạ mà không hề có văn bản đồng ý việc di dời 2 cây của đơn vị có thẩm quyền, biên bản di dời, hay biên bản lấy ý kiến của những bên liên quan trong công tác quản lý, bảo tồn di tích…

Cần nói thêm, Điều 36 Luật Di sản Văn hóa nêu rõ, khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin.

Cây thông cổ thụ trong khu vực lăng vua Gia Long bị đốn hạ để phục vụ việc nâng cấp, mở rộng con đường vào lăng vị vua sáng lập nhà Nguyễn. (Ảnh: Tư Liệu)

Đơn vị thi công không có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà, việc lựa chọn đơn vị thi công ở dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long được thực hiện bằng hình thức chỉ định không qua đấu thầu. Công ty THHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh là đơn vị được chỉ định thầu thi công dự án và làm lễ khởi công từ tháng 1/2019.

Theo hồ sơ năng lực dự thầu mà Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh gửi UBND thị xã Hương Trà thì công ty này được thành lập vào năm 2014. Từ khi thành lập đến nay, công ty thực hiện 6 công trình, trong đó công trình có số vốn đầu tư cao nhất là 15,4 tỷ đồng. 

Tại Điều 10 của Thông tư số 17/2016 TT-BXD về hướng dẫn năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng là phải có chứng chỉ năng lực hoạt động của tổ chức. Đồng thời, tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng phải đáp ứng điều kiện năng lực và được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng tại Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018.

Tuy nhiên, trong hồ sơ năng lực dự thầu của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Bảo Ninh không có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà, việc chỉ định thầu công trình nâng cấp, mở rộng đường vào lăng vua Gia Long cho TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh xuất phát từ Tờ trình số 2857/TTr-UBND ngày 4/12/2018 của UBND thị xã Hương Trà gửi sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị cho phép chỉ định thầu gói thầu xây lắp toàn bộ công trình.

Sau khi nhận được tờ trình này, ngày 6/12/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế có Công văn số 3733/SKHĐT-ĐTTĐ trả lời với UBND thị xã Hương Trà rằng: “Dự án Nâng cấp, mở rộng đường vào lăng vua Gia Long sử dụng nguồn vốn huy động xã hội hóa (được tài trợ 100% của công ty Cổ phần Kim Long Nam) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu theo quy định tại Điều 1 Luật Đấu thầu.

Vì vậy, người quyết định phê duyệt đầu tư dự án (Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà) xem xét, chịu trách nhiệm quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp trong khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó có thể áp dụng chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình”. 

Ngoài ra, việc chỉ định thầu công trình nói trên là theo nguyện vọng, đề nghị của đơn vị hỗ trợ là Công ty Cổ phần Kim Long Nam.

Xin bảo hành trọn đời

Được biết, sau khi kiểm tra những tồn tại ở công trình nói trên, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi nhận có khoảng 8 vết nứt ngang theo mặt đường bê tông, chiều sâu vết nứt từ 2-3cm trên chiều dày lớp bê tông 24cm, chiều rộng vết nứt dưới 5mm.

Lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh xin bảo hành công trình trọn đời. (Ảnh: Việt Hoàng)

Nguyên nhân ban đầu được đoàn kiểm tra xác định là do co ngót nhiệt độ sau khi đổ bê tông. Còn vết nứt khoảng 2m2 trên mái kè kết cấu bê tông tại vị trí bãi đỗ xe là do trụt vữa bê tông trong quá trình thi công.

Tại hiện trường, ông Nguyễn Ánh Sáng - Giám đốc công ty TNHH Thương mại và xây dựng Bảo Ninh - đơn vị thi công cho biết, 8 vết nứt được đơn vị xử lý bằng sikadur đảm bảo thẩm mỹ và chịu lực của mặt đường. Phần mái kè cũng được trát xi măng lại đảm bảo mỹ quan cũng như trồng mới số thông bị chết, héo úa.

Không chỉ với tôi mà cả tập đoàn xem đây là một công trình phục vụ tâm linh nên dù bàn giao, nghiệm thu nhưng trong quá trình sử dụng nếu có hư hỏng sẽ khắc phục ngay. Chúng tôi còn tồn tại thì công trình còn bảo hành trọn đời, mãi mãi!”, ông Sáng nói.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin!

Theo quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu Liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô mà UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao cho Công ty Cổ phần Kim Long Nam (thuộc tập đoàn Phương Trang - đơn vị tài trợ kinh phí thực hiện dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long) thì dự án sẽ được khởi công, xây dựng vào quý IV/2019 và hoàn thành toàn bộ đưa vào hoạt động quý IV/2023.

Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 1 năm, dự án này vẫn chậm khởi công so với tiến độ cấp phép. Lý do Công ty Cổ phần Kim Long Nam chậm khởi công mà UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin với báo chí là do phải lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo có năng lực kinh nghiệm phù hợp với công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô nên thủ tục chuẩn bị đầu tư chậm; bên cạnh đó, chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, ngày 30/1, Thừa Thiên-Huế tiếp tục trao quyết định chủ trương đầu tư thêm một dự án sản xuất, lắp ráp ô tô khác tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô cho Công ty Cổ phần Công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới