Trước đó, trong một thông báo vào ngày 9/8, hải quân Mỹ cho biết đã hoàn tất cuộc thử nghiệm FSST thứ ba đối với USS Gerald R. Ford ngoài khơi Florida, sau các cuộc thử nghiệm vào tháng 6 và tháng 7.
Thông báo này cho biết, trong quá trình thử nghiệm không ghi nhận bất cứ thương vong nào về người và USS Gerald R. Ford cũng chịu thiệt hại ít hơn dự kiến.
Cụ thể, trong cuộc thử nghiệm ngày 8/8 trên Đại Tây Dương, hải quân Mỹ đã cho kích hoạt hơn 18 tấn thuốc nổ bên dưới mặt nước gần USS Gerald R. Ford để kiểm tra khả năng chống chịu của con tàu trước một cuộc tấn công.
Video hải quân Mỹ thử nghiệm FSST trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford ngoài khơi Florida
Brian Metcalf, giám đốc văn phòng chương trình tàu sân bay tương lai của hải quân Mỹ cho biết: “Cuộc thử nghiệm đã chứng minh một cách khách quan rằng con tàu có khả năng chịu được các cuộc va chạm cường độ mạnh và hoàn toàn có thể hoạt động trở lại ngay sau đó”.
Thử nghiệm va chạm được thiết kế để kiểm tra độ bền va đập của tàu và khả năng duy trì hoạt động trong môi trường chiến đấu thông thường. Những hư hỏng nhỏ đối với USS Gerald R. Ford sẽ được đánh giá và sửa chữa trong quá trình bảo dưỡng theo kế hoạch trước khi nó được hải quân Mỹ triển khai vào năm sau.
Thông điệp dành cho Trung Quốc
Nước Mỹ trong những năm gần đây đã nhiều lần nhấn mạnh việc duy trì vị cường quốc hải quân của họ trước sự trỗi dậy không ngừng của hải quân Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ qua kế hoạch duy trì hạm đội từ 321 đến 372 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm hạt nhân của hải quân Mỹ trong những năm tới.
Tính đến năm 2020, hải quân Trung Quốc đã mở rộng hạm đội của họ lên 360 tàu chiến các loại, con số này của Mỹ chỉ 297 tàu. Tuy nhiên, hải quân Mỹ có nhiều tàu chiến mặt nước cỡ lớn, 11 tàu sân bay và 92 tàu tuần dương, tàu khu trục, các tàu này cũng được trang bị vũ khí mạnh hơn.
Thử nghiệm FSST được kỳ vọng sẽ giúp Lầu Năm Góc có được các dữ liệu có giá trị phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R. Ford (USS Gerald R. Ford là tàu đầu tiên). Theo kế hoạch, hải quân Mỹ sẽ đóng tiếp các tàu sân bay thuộc lớp Ford là USS John F. Kennedy và USS Enterprise trong tương lai.
“Bên cạnh việc thu thập dữ liệu, một lý do khác khiến Mỹ công khai thông tin về thử nghiệm FSST là nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc và Nga rằng các tàu sân bay của Mỹ hoàn toàn đủ khả năng phục hồi sau một cuộc tấn công và họ không ngại đối đầu với vũ khí chống hạm của các nước này”, Tống Trọng Bình, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói về cuộc thử nghiệm FSST.
Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc luôn là mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ khi hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Daily Mail)
Ông Tống Trọng Bình còn nhấn mạnh, một vụ nổ từ hơn 18 tấn thuốc nổ lớn hơn gấp bội so với đầu đạn từ các tên lửa chống hạm, ngư lôi của Trung Quốc hoặc Nga.
Động thái trên của Mỹ nhiều khả năng hướng đến Trung Quốc hơn là Nga. Bắc Kinh là quốc gia duy nhất sở hữu các tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa DF-21D và DF-26, chúng có thể tấn công một nhóm tàu sân bay đang di chuyển từ khoảng cách hàng nghìn km. Những thử nghiệm gần đây của DF-21D cho thấy Trung Quốc không hề nói quá khi cho rằng DF-21 là “sát thủ tàu sân bay”.
Về phía Nga, họ không có tên lửa đạn đạo chống hạm nhưng lại đang phát triển tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Zircon. Tên lửa Zircon dù không thể mang nhiều đầu đạn như DF-21 hay DF-26 nhưng nó có lợi thế là không thể bị đánh chặn nhờ vào hành trình siêu thanh và có tầm bắn xa hơn.
Cũng theo vị chuyên gia Trung Quốc, cuộc thử nghiệm FSST chỉ cho thấy USS Gerald R. Ford an toàn trước một số loại ngư lôi hoặc tên lửa thông thường nhưng một cuộc tấn công trực diện lại là một vấn đề khác
“Tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa siêu thanh cũng có thể mang vũ khí xung điện từ được kích nổ ở độ cao lớn và gây thiệt hại cho tàu sân bay, hoặc thậm chí loại nó khỏi vùng chiến”, ông Tống Trọng Bình cho biết thêm.