Nếu nghĩ rằng hành động ngoáy mũi của con trẻ là vô hại, các bậc phụ huynh có thể sẽ phải nghĩ lại, sau khi biết kết quả nghiên cứu mới đây.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh vừa công bố trên Tạp chí hô hấp châu Âu, việc tiếp xúc giữa mũi và bàn tay có thể làm lây lan phế cầu khuẩn – loại vi khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm phổi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, mức độ vi khuẩn lây lan là như nhau, dù mũi ở trạng thái khô hay ướt, dù mọi người chọc hẳn tay vào mũi hay chỉ dụi mũi bằng mu bàn tay.
Điều này rất đáng sợ, bởi viêm phổi là nguyên nhân gây chết nhiều người trên thế giới, là thủ phạm cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.
Dùng tay ngoáy mũi có thể làm lây lan phế cầu khuẩn. (Ảnh: Getty)
Người lớn tuổi và những người suy giảm khả năng miễn dịch thậm chí còn có nguy cơ nhiễm phế cầu khuẩn cao hơn bình thường.
"Nghiên cứu này chỉ ra rằng, bàn tay có thể lây lan phế cầu khuẩn, và các vật như điện thoại di động hay đồ chơi cũng có thể thêm làm tăng sự lây lan”, Tiến sĩ Victoria Connor - nhà nghiên cứu lâm sàng tại Trường Đại học Dược nhiệt đới Liverpool và Bệnh viện Đại học Hoàng gia Liverpool nói.
"Sẽ rất khó để ngăn trẻ ngoáy hay dụi mũi. Nhưng bố mẹ nên đảm bảo vệ sinh bàn tay sạch sẽ, làm sạch đồ chơi và các bề mặt trẻ tiếp xúc để làm giảm nguy cơ lây truyền phế cầu khuẩn”, bà Connor khuyến cáo.
Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng, vi khuẩn có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ em và giảm nguy cơ mắc bệnh về sau này. Bởi vậy, bà cũng không chắc liệu việc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan phế cầu khuẩn ở trẻ em có phải điều tốt nhất hay không.
Video: Thêm một bệnh nhi hỏng mắt vì nhỏ sữa mẹ