Theo thông tin từ Viện Y học biển Việt Nam, đơn vị mới tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc khí CO, trong đó, 3 người được chuyển đến từ Bệnh viện Bãi Cháy và 1 người từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Qua lời kể của người nhà và nhân viên y tế tuyến trước, cả 4 trường hợp được chẩn đoán ngộ độc CO do sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng.
Với 3 trường hợp từ Bệnh viện Bãi Cháy chuyển sang, gia đình dùng máy phát điện bằng xăng để ở tầng 1 của ngôi nhà từ 8h tối hôm trước. Đến khoảng 8h sáng hôm sau, tại phòng ngủ tầng 3, người nhà phát hiện bé trai 12 tuổi, người phụ nữ 24 tuổi bất tỉnh, gọi hỏi không trả lời.
Cả hai được người nhà sơ cứu trong khoảng 10 phút, sau đó đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Bãi Cháy. Hai người được xử trí đặt ống nội khí quản cấp cứu và chuyển tuyến sang Viện Y học biển Việt Nam trong tình trạng hôn mê sâu (Glasow 8 điểm), thở qua bóp bóng nội khí quản. Xét nghiệm khí máu có nồng độ HbCo > 10%.
Một người phụ nữ khác trong gia đình này có biểu hiện ngộ độc CO (chóng mặt, đau đầu, buồn nôn nhiều) nên cũng được chuyển đến Viện Y học biển để điều trị.
Người dân ngộc độc khí CO được chuyển đến Viện Y học biển Việt Nam. (Ảnh: BVCC)
Cũng thời gian đó, Viện Y học biển Việt Nam tiếp nhận 1 người ngộ độc khí CO từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chuyển sang. Nguyên nhân cũng do gia đình sử dụng máy phát điện để trong nhà (từ 0h00 ngày 9/9/2024).
Đến khoảng 3h sáng, gia đình thấy trẻ có biểu hiện lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng nên đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Vĩnh Bảo, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cấp cứu, tiếp tục được chuyển đến Viện Y học biển Việt Nam trong tình trạng còn lơ mơ (glassgow 10 điểm), có lúc kích thích căng cứng cơ toàn thân.
Sau khi hội chẩn với GS.TS Nguyễn Trường Sơn - chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Y học dưới nước và oxy cao áp, các bệnh nhân được chỉ định cho điều trị bằng phương pháp hồi sức cao áp (Hồi sức kết hợp với oxy cao áp) theo phác đồ VINIMAM 4 (do Viện Y học biển Việt Nam nghiên cứu).
Bệnh nhân được tiếp tục truyền dịch, bù điện giải, nước và thuốc chống co giật kết hợp với oxy cao áp (OXCA).
Sau 30 phút điều trị, người bệnh đỡ co giật và tiến triển tốt dần lên. Sau ca điều trị đầu tiên, tình trạng các bệnh nhân cải thiện rõ rệt và đang phục hồi tốt.
Nhân viên y tế theo dõi quá trình cấp cứu bệnh nhân ngộ độc CO. (Ảnh: BVCC)
Carbon monoxide (CO) là chất khí không mùi, không vị, không màu, được hình thành do quá trình đốt cháy hydrocacbon không hoàn toàn. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể nhưng qua các phương tiện truyền thông và các cơ sở y tế ngộ độc CO gặp khá nhiều.
Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
Sau cơn bão Yagi, sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt. Các bác sĩ khuyến cáo người dân sử dụng máy phát điện nên để ở phòng có luồng không khí lưu thông để khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát điện nên để riêng biệt với khu phòng ở.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà; đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.