Mạng xã hội đang lan truyền kinh nghiệm “mát tay” nuôi con, giúp các bé ăn ngon, ngủ kỹ và không lo bệnh tật.
Trong nội dung được chia sẻ, các mẹ thường nhắc đến cụm từ “chích đẹn”. Theo truyền miệng từ xưa, chích đẹn là phương pháp dùng các vật sắc nhọn như que kim, chích lên trán và cơ thể trẻ sơ sinh để chữa bệnh. Sau khi chích xong, “thầy lang” sẽ bóp ra một lượng máu (gọi là máu độc, có màu đen) ra khỏi cơ thể bé.
Người lan truyền thông tin trên mạng xã hội cho rằng, bằng phương pháp này, các bé sẽ tránh được bệnh tật, ngủ ngon, ăn tốt và “lớn nhanh như thổi”.
Dù chưa biết thực hư công dụng thế nào nhưng không ít các bà mẹ bày tỏ lời khen ngợi, tán thành kiểu nuôi con "truyền miệng" trên.
Trong khi đó, Ths.BS Dương Văn Tâm - Trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ Trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung Ương), tỏ ra khá bàng hoàng và sửng sốt với phương pháp gọi là "chích đẹn"
“Cả đời tôi chưa nghe thấy một phương pháp nào lạ kỳ như vậy”, ông nói.
Cho rằng có thể mỗi vùng một khác nhau, nhưng cả đời làm nghề và cũng nghiên cứu nhiều, ông chưa bao giờ nghe thấy nhắc đến về cách làm “quái dị” này.
"Đây là một phương pháp truyền tai, đồn thổi và chưa được chứng minh khoa học. Đặc biệt, tại Việt Nam, nếu phương pháp nào chưa được Bộ Y tế cấp phép và phê duyệt thì không sử dụng trong điều trị”, BS Tâm nói.
Lời đồn thổi về phương pháp chữa bệnh "lạ đời" được lan truyền trên mạng xã hội. (Ảnh: HELINO)
Cũng theo bác sĩ Tâm, việc chích đẹn chữa bệnh cho trẻ như vậy tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa, mà các phụ huynh không lường trước được.
Điển hình trong đó phải kể đến việc mũi kim dùng để chích không được khử trùng, vệ sinh kỹ càng và không được vô khuẩn. Chính vì vậy, khi chích trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, nguy hiểm hơn có thể gây ra nhiễm trùng máu, rối loạn đông máu, nguy hiểm tới tính mạng.
“Tôi chỉ nghe các cụ ngày xưa nói tránh "ma quỷ" cho trẻ bằng cách để bùa lên người hay mang theo củ tỏi. Nhưng cách làm này dù ít hay nhiều cũng mang ý nghĩa tâm linh, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Còn đối với chích đẹn, tôi chưa nghe thấy bao giờ. Nhưng theo tôi cách làm đó thực sự là phản khoa học. Đó là chưa kể tới việc hiện nay, nguy cơ trẻ bị lây nhiễm các bệnh như HIV, viêm gan B, C… là rất cao nếu việc chích đẹn không được đảm bảo”, bác sĩ Tâm nhấn mạnh.
Ngược lại thời gian, từng có không ít trường hợp bệnh nhi gặp tai họa vì cha mẹ tin lời của “lang băm” đưa con đi làm cái gọi là “chích đẹn” mà ôm họa vào người. Thậm chí, có những trẻ sau khi chích còn lâm vào tình trạng sốc mất máu nặng, suy hô hấp, hôn mê nguy kịch phải điều trị dài ngày.
Từ đó, bác sĩ Tâm cảnh báo các bậc cha mẹ tuyệt đối tỉnh táo trước các kinh nghiệm chữa bệnh theo kiểu chữa mẹo hay truyền miệng. Trong đó, phải dừng ngay hoặc tuyệt đối không cho trẻ đi "chích đẹn" để tránh những biến chứng nguy hiểm sau khi chữa bằng phương pháp này.
“Mọi phương pháp chữa bệnh đều phải chứng minh bằng cơ sở khoa học, và được cấp phép mới được sử dụng trong y học. Các phụ huynh nên đặt niềm tin vào y học hiện đại.
Khi phát hiện con em có biểu hiện bất thường về sức khỏe, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị. Tránh nghe chuyện đồn thổi rồi tiền mất, tật mang”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.
>>> Đọc thêm: Dầu dừa không phải 'thần dược' như đồn thổi
Video: Sự thực về thần y "sờ đâu hết bệnh đấy"