Sau thành công vang dội ở SEA Games 30, tuyển nữ Việt Nam nhận được khoản tiền thưởng lớn chưa từng có từ các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, ông bầu,... Con số 24 tỷ đồng hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực, máu, mồ hôi và nước mắt mà HLV Mai Đức Chung cùng các cầu thủ đổ xuống để có chiến công ở đấu trường Đông Nam Á.
Khoản tiền thưởng cùng sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng bù đắp cho những năm tháng bóng đá nữ ít được quan tâm, hỗ trợ, mà vẫn chiến đấu âm thầm, lặng lẽ mang về vinh quang cho bóng đá Việt Nam với tấm Huy chương Vàng thứ 6 trong lịch sử.
Tuyển nữ Việt Nam được tưởng thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. (Ảnh: Hồng Nam)
Song, người ta thường nói: Của cho không bằng cách cho. Trong số 24 tỷ đồng hứa thưởng, tuyển nữ đã nhận 23,5 tỷ đồng. Còn đúng 500 triệu đồng chưa về với đội khi Công ty hoá chất Đức Giang yêu cầu HLV Mai Đức Chung phải công bố danh sách chia thưởng. Phía doanh nghiệp không tin tưởng để đội tuyển tự chia. HLV Mai Đức Chung từ chối yêu cầu này, và cũng không nhận khoản thưởng từ phía Đức Giang nữa.
Lý lẽ của Công ty Đức Giang là muốn biết khoản tiền thưởng chảy về túi của ai, bởi "Tôi là người cho tiền, tôi có quyền quyết định". Tuy nhiên, doanh nghiệp này phải hiểu rằng, danh sách chia thưởng cho từng cá nhân vốn là thông tin nhạy cảm, chỉ được công bố trong nội bộ. Việc lương thưởng ở cơ quan đôi khi còn là bí mật với bên ngoài, không phải thích là công bố được, vì nó ảnh hưởng đến nhiều cá nhân.
Có doanh nghiệp nào công bố cho bên ngoài danh sách thưởng đâu. Đúng là danh sách chia thưởng cần minh bạch, nhưng là minh bạch trong nội bộ tổ chức, chứ không phải với Công ty Đức Giang.
Khi anh thưởng tiền với danh nghĩa cho tổ chức, anh phải tin tưởng họ chia đúng với quyền lợi của từng cá nhân. Còn nếu không tin, anh có thể thưởng cho từng cá nhân, không ai cấm. Thế nhưng ngay từ đầu, Công ty Đức Giang chọn đưa bảng thưởng và tự PR là thưởng tiền cho ĐTQG, chứ không phải riêng cầu thủ nào.
Nếu đã không tin, anh còn thưởng làm gì? Hay tự PR tên tuổi cho mình xong rồi... thôi, đến khi không được đáp ứng yêu cầu là "giận dỗi", xoá luôn bài viết thưởng tiền cho tuyển nữ trên trang nội bộ Công ty!?
Doanh nghiệp thưởng tiền là tự nguyện, chứ tuyển nữ đâu có đi xin! (Ảnh: Hồng Nam)
Tuyển nữ Việt Nam cũng không đến Công ty Đức Giang để ngửa tay xin tiền. Doanh nghiệp thưởng cho đội tuyển nữ là hành động tự nguyện. Khoản tiền 500 triệu là Công ty Đức Giang thưởng cho thành tích của tuyển nữ, đây không phải tiền đầu tư hay "bố thí". Tấm lòng của doanh nghiệp rất đáng ghi nhận, nhưng không có Công ty Đức Giang thưởng, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp chung tay cùng bóng đá nữ phát triển.
Ngoài 24 tỷ đồng tiền thưởng, bóng đá nữ còn nhận 20 tỷ đồng/năm từ tập đoàn Hưng Thịnh để phát triển bóng đá trẻ. Trước đây, không có tiền thưởng của Công ty Đức Giang, bóng đá nữ vẫn tồn tại, đi lên nhờ tấm lòng xã hội của nhiều doanh nghiệp và nỗ lực không biết mệt mỏi của các cầu thủ. Hôm nay, không có Công ty Đức Giang, bóng đá nữ cũng không thiếu tiền thưởng. Vì họ xứng đáng.
Vậy nên, nửa tỷ đồng dẫu là số tiền không nhỏ, doanh nghiệp cũng đừng tự cho mình cái quyền "quyết định" bởi là người "tôi là người cho tiền". Tuyển nữ không đi xin, nên doanh nghiệp này đừng tự đặt mình ở thế cửa trên.
Hơn nữa, khi đến VFF trao bảng thưởng, Công ty Đức Giang cũng không ra điều kiện phải "minh bạch", "có danh sách chia thưởng" hay "thưởng riêng cho VĐV nào". Họ trao bảng thưởng như các doanh nghiệp khác, thưởng cho đội tuyển chứ không phải thưởng riêng cho từng cá nhân. Tại sao khi trao bảng thưởng rồi, đến khi chuyển tiền lại chây ì, tự cho mình quyền lợi mà không một doanh nghiệp nào trước đó yêu cầu?
HLV Mai Đức Chung đã đúng khi từ chối nhận tiền thương của Công ty Đức Giang. (Ảnh: Hồng Nam)
Cần phải nhắc lại rằng, nửa tỷ đồng là số tiền không nhỏ, nhưng HLV Mai Đức Chung đã đúng khi từ chối khoản thưởng này. Lòng tự trọng và danh dự của Đội tuyển Quốc gia là thứ không thể mua bằng tiền. Bao lâu nay, bóng đá nữ dù còn nhiều khó khăn, các cầu thủ phải thi đấu, tập luyện trong tình cảnh thiếu thốn, thì họ cũng không có khái niệm đi xin.
Đội tuyển nữ chiến đấu bằng mồ hôi và nước mắt, vì mục tiêu duy nhất là lá cờ trên ngực áo và niềm vui của người hâm mộ. Họ không gõ cửa các anh xin tiền. Họ cần tiền, nhưng họ có lòng tự trọng. Sự tự trọng ấy lớn hơn nhiều so với con số nửa tỷ đồng mà doanh nghiệp cứ ngỡ cho rồi là hạch sách, muốn gì cũng được.
Trong tương lai, tuyển nữ Việt Nam cũng phải học cách bảo vệ hình ảnh của mình trước truyền thông và những nhà tài trợ khác. Giữ được, đá tốt được, sẽ có những thứ tốt hơn cho tương lai. Chỉ cần tiếp tục tận hiến, tuyển nữ sẽ không thiếu nhà tài trợ và doanh nghiệp cùng sát cánh.