Từ trước đến nay, do thói quen tiết kiệm và có phần tiện lợi mà nhiều bà nội trợ Việt quen sử dụng một số đồ dùng làm bằng nhựa như bát, thìa hay hộp để nấu, đựng và bảo quản đồ ăn. Theo các chuyên gia, đây là thói quen không tốt cho sức khỏe, cần loại bỏ.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, có rất nhiều mối nguy khi người dân dùng đồ nhựa để nấu và bảo quản thức ăn.
Dùng đồ nhựa để nấu, bảo quản thức ăn là thói quen xấu, hại sức khỏe cần phải loại bỏ của nhiều người Việt.
Theo PGS Thịnh, về nguyên tắc, đồ nhựa được chế tạo không phải để chịu nhiệt, nấu hay đựng, bảo quản đồ ăn dù trong hoàn cảnh nào.
Ở nhiệt độ cao, nhựa và thực phẩm sẽ biến dạng và xảy ra phản ứng hóa học, tạo ra các chất tổng hợp không có trong tự nhiên. Những chất này đa phần là hóa chất có lượng độc tố, nếu nấu nướng, bảo quản ở nhiệt độ cao sẽ gây ra tình trạng phơi nhiễm độc. Khi vào cơ thể, các chất này sẽ len lỏi vào cơ quan nội tạng hay máu gây hại cho sức khỏe, và là nguyên nhân của rất nhiều bệnh nguy hiểm.
Ngoài tác hại trên, khi người dân dùng hộp nhựa đựng các thực phẩm mặn, có muối hay đồ nhiều dầu mỡ cũng làm phát sinh các độc tố có hại trong quá trình bảo quản.
"Khi cho nhựa và đồ ăn mặn có nhiều muối hoặc dầu mỡ vào cùng môi trường sẽ làm sản sinh ra các chất có hại. Đó là còn chưa kể tới việc nhựa tái chế và tâm lý tận dụng, dùng đi dùng lại của người dân. Một món có thể dùng tới vài tháng và cả năm để nấu ăn và đựng thực phẩm là không nên”, ông Thịnh nói.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Vị chuyên gia này thông tin thêm, không chỉ có đồ nhựa, những đồ làm bằng kim loại cũng không nên được dùng làm đồ để bảo quản đồ ăn.
Đồ dùng kim loại thông thường bên trong sẽ được tráng qua một lớp thiếc, phủ một lớp vecni để chống ăn mòn. Trong quá trình bảo quản hay cọ rửa kéo dài sẽ xảy ra va chạm khiến những đồ đựng bằng kim loại phát sinh vết xước, khiến lớp thiếc và vecni trên không còn nữa.
“Lúc này mắt thường khó nhìn thấy vết xước bị han gỉ, tạo ra độc tố gây hại cho sức khỏe”, ông Thịnh nói.
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, người dân khi nấu ăn, bảo quản tránh để thực phẩm nhiệt độ cao tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm làm bằng nhựa.
Quá trình bảo quản, nếu có nhu cầu sử dụng hộp nhựa để bảo quản thức ăn, người dân nên chọn những hãng nổi tiếng, uy tín, có thương hiệu. Tuy nhiên, khi đựng thực phẩm cũng chỉ nên đựng những đồ khô, ít giàu mỡ hay muối và tránh bảo quản ở nhiệt độ cao để hạn chế mối nguy hại.
Ông Thịnh khuyên, dù bảo quản thực phẩm bằng chất liệu, vật dụng gì người dân cũng không nên tái sử dụng quá nhiều lần. Khi thấy hộp, khay hay thìa đã cũ, xước xát nhiều cần thay mới luôn.
“Tốt nhất là người dân nên dùng đồ dùng làm bằng sứ hoặc thủy tinh để bảo quản thức ăn. Tuyệt đối không nên dùng những đồ nhựa tái chế. Bởi đó là lý do khiến cơ thể bị nhiễm độc và dễ mắc các bệnh nguy hiểm”, ông Thịnh khuyến cáo.
Theo tờ The Sun của Anh, các nhà khoa học Đức vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, bát và thìa nhựa khi được sử dụng ở nhiệt độ trên 70 độ C sẽ sản sinh lượng chất độc hại có tên là oligomers. Chất này nhanh chóng ngấm sâu vào thức ăn, nếu nuốt vào ở liều lượng cao có thể gây các bệnh về gan, tuyến giáp, vô sinh, cholesterol tăng cao, hay thậm chí là ung thư.
Các chuyên gia cũng cho biết, qua việc nghiên cứu, họ nhận thấy một người trưởng thành nếu ăn 1kg thực phẩm sẽ bị nhiễm tới 5 mg chất oligomers. Trong khi đó, người nặng trung bình 60kg chỉ cần nạp tới 90 mg chất oligomers sẽ gây ra mối nguy hại đối với sức khỏe, đặc biệt là ung thư.