"Đây là lần đầu tiên AI (trí thông minh nhân tạo) được sử dụng rộng rãi trong một cuộc chiến", một quan chức cấp cao của quân đội Israel cho hay.
Khi phong trào Hồi giáo Hamas bắn hơn 4.000 quả rocket vào Israel trong 15 ngày giao tranh, quân đội Israel cũng tiến hành một loạt các cuộc không kích vào lãnh thổ Palestine ở dải Gaza.
Trong hơn hai tuần xung đột, Tel Aviv tuyên bố bắn hạ 90% số rocket phóng đi từ Gaza, dựa vào hệ thống phòng không Iron Dome - "Vòm Sắt".
Cũng theo quan chức trên, công nghệ AI đã được sử dụng để xác định quỹ đạo bay rocket dựa trên dữ liệu từ hệ thống radar cảnh giới, đồng thời đánh chặn những rocket đang hướng đến các khu vực đông dân cư.
Xung đột ở Gaza là cuộc chiến trí tuệ nhân tạo đầu tiên. (Ảnh: Reuters)
Được biết, mỗi quả đạn tên lửa cho Iron Dome có giá trị ước tính lên đến hơn 100.000 USD, do đó việc đánh chặn chính xác sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tránh cảnh bắn phá vô tội vạ.
"Hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi vẫn chưa thực sự hoàn hảo, vẫn có những rocket đánh trúng các thành phố đông dân cư. Nhưng đây là cơ hội để chúng tôi thử nghiệm các thuật toán đánh chặn mới cho Iron Dome bằng cách sử dụng dữ liệu theo thời gian thực", quan chức Israel chia sẻ.
Ngoài ra, quân đội Israel cũng chuyển sang sử dụng AI để thực hiện các cuộc không kích vào Gaza. Một lượng lớn dữ liệu do AI thu thập và thông tin thực địa được phân tích để phục vụ cho các cuộc tấn công chính xác.
Dựa trên hình ảnh vệ tinh, các hệ thống cảm biến và một số nguồn dữ liệu tình báo khác, quân đội Israel đã xây dựng được một bản đồ thực địa 3D của dải Gaza và xác định vị trí Hamas triển khai các bệ phóng rocket. Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ quân đội Israel xác định các tuyến đường an toàn hơn cho bộ binh gần khu vực giao tranh.
"Các thuật toán và mô hình 3D giúp các cuộc tấn công của chúng tôi trở nên chính xác. Quân đội Israel đang tận dụng mọi dữ liệu có sẵn và thu thập thêm các thông tin mới theo thời gian thực", quan chức quân sự của Israel cho biết.
Vị quan chức này cũng phủ nhận việc quân đội Israel bí mật sử dụng dữ liệu từ điện thoại di động cá nhân của các cư dân bên trong dải Gaza để thực hiện các cuộc tấn công gần đây.
"Chúng tôi cần phải có kế hoạch chính xác về cách thực hiện các cuộc không kích để giảm thiểu mối đe dọa đối với dân thường", vị quan chức này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các quan chức y tế Palestine tuyên bố các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong cuộc xung đột vừa qua đã làm 253 người thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em.
Tham vọng công nghệ AI của Israel
Israel nổi tiếng là "cái nôi sản sinh" nhiều công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và y học. Quân đội Israel được cho là đứng sau hỗ trợ cho các công ty này.
"Chúng tôi sử dụng các công nghệ mới được phát triển từ các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu, trong đó có cả các công ty của Israel", quan chức Israel cho biết.
Tham vọng trong phát triển công nghệ AI của Israel vượt ra ngoài biên giới của nước này.
Cũng theo vị quan chức này, quân đội Israel này đang xem xét hợp tác với các công ty nước ngoài cũng như xuất khẩu công nghệ AI của họ ra nước ngoài.
Việc sử dụng AI trong quân sự đang trở thành một xu hướng chung trên toàn cầu. Nhiều nước cũng đang chạy đua phát triển các loại vũ khí được tích hợp công nghệ này.
Một báo cáo gần đây cho biết các máy bay không người lái cỡ nhỏ (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển được trang bị công nghệ AI cho phép tự động tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người. Có nhiều thông tin cho thấy mẫu UAV này từng được thử nghiệm trong cuộc nội chiến ở Libya vừa qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại dù AI giúp giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng và tăng hiệu quả của các cuộc tấn công nhưng một số vấn đề có thể phát sinh nếu con người không thể can thiệp đúng cách.