Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dựng chuyện ôm 3 con nhảy sông tự tử, người mẹ đối diện tội đe doạ giết người

(VTC News) -

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong vụ người phụ nữ dựng hiện trường tự tử cùng con có hành vi đe dọa giết người hay không để xem xét xử lý.

Theo luật sư, dù hành vi chưa thực hiện, hậu quả chưa xảy ra, song nếu cơ quan chức năng xác định được người mẹ này có hành vi đe dọa giết con, đe dọa mang con đi tự tử khiến những đứa trẻ và người thân lo sợ thì người mẹ có thể phải đối mặt tội đe dọa giết người. 

Ngày 1/3, mạng xã hội xôn xao trước chia sẻ người mẹ nghi ôm 3 con nhỏ nhảy cầu Đông Trù (Long Biên, Hà Nội) tự tử. Hàng chục cán bộ, cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội được huy động tìm kiếm trên sông suốt nhiều giờ. Tuy nhiên, sau đó, theo lãnh đạo UBND phường Thượng Thanh, Long Biên "người phụ nữ dàn dựng hiện trường", 4 mẹ con vẫn bình an tại nhà.

Trước thông tin trên, nhiều người "thở phào" vì tính mạng 4 mẹ con không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bức xúc lên án hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ của người mẹ đã khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt lực lượng chức năng phải vất vả tìm kiếm nhiều giờ giữa trời giá rét. Cộng đồng mạng cho rằng cần phải xử lý người phụ nữ đã gây hoang mang dư luận.

Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là sự việc không đáng có, sẽ là bài học rút kinh nghiệm cho nhiều người khi đưa tin sai sự thật gây lo lắng cho các thành viên trong gia đình và làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, gây mất thời gian và công sức của cán bộ, cơ quan chức năng.

Lực lượng chức năng tìm kiếm người phụ nữ nghi tự tử cùng con nhỏ.

Theo luật sư, tự kết liễu cuộc sống bản thân có thể không phải chịu chế tài của pháp luật nhưng nếu mang con đi tự tử, sát hại con thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi giết người và người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với chế tài có thể cao nhất là tử hình (nếu còn sống).

"Nếu vì mâu thuẫn vợ chồng mà đe dọa giết con, mang con đi tự tử khiến cho những đứa con và những người thân trong gia đình lo sợ sự việc có thể xảy ra thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đe dọa đó về tội đe dọa giết người, mặc dù hành vi chưa thực hiện, hậu quả chưa xảy ra", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định về tội đe dọa giết người như sau: Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Những đôi dép và ô tô để lại trên cầu khiến nhiều người lo lắng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm: Đối với 2 người trở lên; Đối với người dưới 16 tuổi...

Ngoài ra, hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (xúi giục người khác tự tử) cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội xúi giục người khác tự sát nếu hậu quả chết người xảy ra. Khung hình phạt cho tội danh này lên tới 7 năm tù.

"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong vụ việc này có hành vi đe dọa giết người hay không, có hành vi xúi giục người khác tự sát hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh này thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã có hành vi đe dọa giết người (giết con), hoặc xúi giục con tự sát...

Nếu kết quả xác minh cho thấy không có hành vi đe dọa giết người, xúi giục hoặc giúp đỡ người khác tự sát thì vẫn có thể xử lý về hành vi đưa thông tin sai sự thật bằng chế tài hành chính.

Cụ thể, hành vi đưa thông tin sai sự thật về việc tự tử sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi báo thông tin giả đến cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt đến 3 triệu đồng.

Với hành vi đưa thông tin giả mạo sai sự thật lên không gian mạng thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong vụ việc này có hành vi đưa thông tin sai sự thật hay không, ai là người đưa và phương thức đưa thông tin sai sự thật như thế nào để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

"Hành vi "giận cá chém thớt", vì mâu thuẫn mà mang con đi tự tử là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng lên án, cho dù đó chỉ là ý định, suy nghĩ trong đầu thì suy nghĩ này cũng phải loại bỏ để đảm bảo duy trì hạnh phúc gia đình, bảo vệ tính mạng cho những người thân trong gia đình.

Nếu chỉ vì suy nghĩ không tới, thiếu kỹ năng sống mà người phụ nữ này nghĩ quẩn thì những đứa trẻ vô tội có thể chết oan, đây là điều cần phải có giải pháp để ngăn chặn, để bảo vệ trẻ em", luật sư Cường nêu quan điểm.

Minh Tuệ

Tin mới