Không phải tin nhắn nào gửi đến bạn qua Facebook Messenger cũng mang theo thiện chí. Tương tự tin nhắn rác và lừa đảo, Messenger thường được bọn tội phạm sử dụng để tìm kiếm con mồi mới. Dù là đánh cắp tiền hay danh tính cá nhân, càng nhiều nạn nhân sập bẫy, chúng càng kiếm được nhiều tiền hơn.
Nó hấp dẫn tới mức tội phạm thường “tái sử dụng” các chiêu thức cũ. Một trò lừa đảo cũ qua Messenger vừa tái xuất. Khoảng 1 năm trước, hàng triệu người dùng Facebook nhận được tin nhắn lạ từ những tài khoản giả làm người quen của họ. Nó chỉ chứa một câu hỏi đơn giản nhưng ẩn chứa bí mật đen tối. Tin nhắn viết: “Is this you” (bạn đây phải không) và đính kèm liên kết dẫn đến một video.
Dù vậy, liên kết đã được xử lý thông qua dịch vụ rút gọn URL để giống như một video. Khi bấm vào, không có video nào được phát. Thay vào đó, nó mở ra một trang web khác với màn hình đăng nhập Facebook giả. Nếu nhập thông tin đăng nhập vào đây, tội phạm sẽ biết được dữ liệu và tấn công tài khoản của bạn.
Chỉ vài tuần sau đó, trò lừa đã “chết yểu”, song tuần này xuất hiện trở lại và có chút thay đổi. Không còn hỏi “Is this you” nữa, kẻ lừa đảo chuyển sang dùng câu “Look what I found” (xem tôi tìm được gì này) để lôi kéo sự tò mò của người nhận. Nó cũng đi cùng với một liên kết. Theo Metro, liên kết tiếp tục dẫn người dùng đến trang web đăng nhập Facebook giả. Ngoài email và mật khẩu Facebook, thủ phạm có thể cài mã độc lên thiết bị của bạn.
Để giữ an toàn, tốt nhất nên cảnh giác trước mọi thủ đoạn của kẻ lừa đảo. Ngay cả khi tin nhắn đến từ một người bạn đáng tin cậy, tài khoản của họ rất có khả năng đã bị hack. Có hai cách để bạn tự bảo vệ bản thân. Đầu tiên, không bao giờ bấm vào liên kết hay tải tập tin từ email, tin nhắn “không mời” trên Facebook Messenger. Nếu bạn của bạn gửi thứ gì đó, hãy gọi cho họ để bảo đảm họ thực sự là người gửi. Thứ hai, cài đặt xác thực hai lớp trên mọi tài khoản, bao gồm mạng xã hội và tài khoản ngân hàng. Điều này sẽ giảm đáng kể nguy cơ bạn bị tấn công vì bạn phải tự mình xác minh bất kỳ nỗ lực đăng nhập nào.