Theo Washington Post, cảnh sát Berlin đã trả tiền cho lô khẩu trang loại FFP-2 mà nước này đặt hàng từ công ty Mỹ, nhưng có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khi được trung chuyển qua Bangkok trước khi tới Đức, lô hàng này bị phía Mỹ "nẫng tay trên".
"Đây không phải là cách bạn hành xử với các đối tác xuyên Đại Tây Dương. Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu cũng không nên hành xử như thời miền Tây hoang dã như vậy", Andreas Geisel, lãnh đạo Cơ quan Nội vụ bang Berlin cho biết.
Đức nói Mỹ hành xử như thời miền Tây hoang dã. (Ảnh: Getty Images)
Ông Geisel tin rằng, hành động này của Mỹ có liên quan tới lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang của Washington mới đây.
Vụ việc diễn ra vài ngày sau khi một quan chức địa phương Pháp tố Mỹ ra giá cao tại sân bay để mua đứt lô hàng 60 triệu khẩu trang mà Pháp đặt mua từ Trung Quốc.
Tờ Nhật báo Giải phóng của Pháp trong tuần cũng đăng bài chỉ trích Mỹ đang cố gom mặt nạ khắp nơi, làm gián đoạn việc giao hàng tới các quốc gia khác.
"Họ trả gấp đôi và bằng tiền mặt, thậm chí trước khi nhìn thấy hàng hóa", một nguồn tin tiết lộ với tờ báo này.
Giữa mùa dịch, khẩu trang trở thành công cụ thiết yếu để bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu. Tuy nhiên, Mỹ và hàng loạt quốc gia khác đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt nghiêm trọng loại đồ bảo hộ này.
Một quan chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) nói với Reuters rằng, các công ty và Chính phủ Mỹ đang trả cao hơn giá thị trường, để mua các thiết bị y tế đến từ nước ngoài. Cái giá mà họ đưa ra thường vượt trội so với các khách hàng châu Âu khác.
Vị quan chức này cho biết Mỹ sẽ không dừng mua thiết bị cho tới khi họ "có quá nhiều".
Công ty 3M của Mỹ hôm 3/4 cho biết, Nhà Trắng đã buộc họ phải dừng chuyển các chuyến hàng khẩu trang phòng độc tới Canada và Mỹ Latinh.
Người phát ngôn của Cơ quan quản lý khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) nói rằng, cơ quan này vẫn đang tìm kiếm vật tư y tế nhập khẩu từ nước ngoài, với lý do thảm họa dẫn đến đội giá các mặt hàng thiết yếu.
Video: Lễ tốt nghiệp online, robot nhận bằng thay sinh viên
Một quan chức Brazil mới đây cũng tỏ ra bức xúc khi nhiều đơn đặt hàng thiết bị y tế của họ từ Trung Quốc bị gián đoạn, sau khi chính phủ Mỹ triển khai 20 máy bay chở hàng tới Trung Quốc để mua thiết bị y tế..
Người này cho biết, hôm 2/4 Brazil đã đạt được thỏa thuận trị giá 228 triệu USD với Trung Quốc, nhưng các đơn hàng sẽ không thể tới nước này trong ít nhất 1 tháng tới.