Theo trích dẫn tài liệu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht báo cáo trước ủy ban quốc phòng của quốc hội nước này, tờ Der Spiegel cho biết quân đội Đức thiếu vũ khí và thiết bị để hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ trong NATO, trong đó có cả việc bảo vệ sườn phía đông của khối.
Nội dung tài liệu chỉ ra quân đội Đức không thể đóng góp pháo binh cho đơn vị cấp tiểu đoàn đa quốc gia của NATO đóng tại Litva.
Hệ thống phòng không Patriot. (Ảnh: Getty)
Ngoài ra, theo tài liệu, quân đội Đức cũng không đủ thiết bị vô tuyến liên lạc, những thứ này phải chờ mua “trong những năm tới”. “Do sự chậm trễ của các dự án công nghệ thông tin quan trọng, hoạt động của lực lượng phản ứng nhanh Đức tại NATO cũng bị hạn chế, chỉ đáp ứng những yêu cầu tối thiểu”, tài liệu nêu.
Trước đây, Đức nhiều lần báo cáo về việc thiếu hệ thống phòng không, cũng như một số nguồn cung cấp cho các dịch vụ y tế.
"Những khoảng trống về nhân sự, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phụ tùng thay thế và đạn dược... diễn ra trong nhiều thập kỷ do thiếu kinh phí, không thể lấp đầy ngay lập tức", tài liệu cho biết.
Tình trạng thiếu khí tài quân sự trong quân đội Đức đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi nước này bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, trong đó có cả lựu pháo và hệ thống chống tăng, cũng như nhiều loại đạn dược.
Tháng trước, Business Insider cho hay, Đức chỉ đủ đạn dược cho một hoặc hai ngày chiến đấu.
Tuần trước, tờ Suddeutsche Zeitung dẫn lời Frank Haun, người đứng đầu nhà sản xuất xe tăng lớn nhất châu Âu KNDS, cho biết quân đội Đức thiếu khí tài trong nhiều năm. Ông nhấn mạnh, cuộc xung đột Ukraine càng làm nổi bật sự thiếu thốn về vũ khí hạng nặng của nước này như xe tăng và hệ thống pháo binh.
Không chỉ Đức, nhiều thành viên NATO cũng rơi vào cảnh thiếu khí tài. Đại diện thường trực Mỹ tại NATO Julianne Smith hôm 13/12 thừa nhận hầu như tất cả thành viên NATO đều phải đối mặt tình trạng cạn kiệt kho dự trữ vũ khí và đạn dược vì viện trợ cho Ukraine.
NATO đã đề ra nhiệm vụ giải quyết vấn đề "suy giảm kho dự trữ trong toàn liên minh". EU cũng đưa ra sáng kiến riêng đối với ngành công nghiệp quân sự. Cả NATO và EU đang thúc giục ngành công nghiệp quân sự phương Tây tăng cường sản xuất vũ khí để giải quyết tình trạng thiếu hụt.