“Theo quan điểm của chúng tôi, đó sẽ là sự tham gia, sự tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này. Và đó là điều chúng tôi không hướng tới”, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói hôm 27/5.
Bình luận của người phát ngôn Chính phủ Đức được đưa ra 2 ngày sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác quan điểm này, nói rằng NATO “sẽ không trở thành một phần của xung đột”.
Ukraine đang gồng mình xây dựng "lá chắn thép" để ngăn chặn đòn tấn công của Nga. (Ảnh: IT)
Ông Stoltenberg nhấn mạnh, “không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hay mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine”.
Thay vào đó, ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do liên minh quân sự này cung cấp cho Ukraine, cho phép Kiev sử dụng tấn công vào đất Nga. Tuy nhiên, một số thành viên của khối đã phản đối quan điểm này.
NATO cũng cam kết sẽ gửi cho Kiev thêm vũ khí, đạn dược và thiết bị. Ông Stoltenberg đã đưa ra kế hoạch 5 năm để cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 100 tỷ euro (108 tỷ USD).
Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa của Nga từ lãnh thổ của Ukraine, giống như Mỹ và Anh đã làm với tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel.
Mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ chối làm theo Pháp và Anh trong việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev. Lãnh đạo Đức cho rằng việc cung cấp các loại vũ khí có tầm bắn 500km cho Ukraine có nguy cơ gây ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.
Đức hiện là quốc gia viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine khi đã dành 28 tỷ euro (30,4 tỷ USD) hỗ trợ quân sự cho Kiev. Thủ tướng Scholz nói rằng nước này "thực sự đã đến giới hạn về những gì có thể làm” cho Ukraine.
Moskva nhiều lần cảnh báo việc chuyển giao vũ khí phương Tây cho Kiev sẽ chỉ kéo dài cuộc giao tranh mà không làm thay đổi kết quả và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.