Sau các cuộc thảo luận trong chuyến thăm Qatar (20/3), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã công bố thỏa thuận cung cấp khí hóa lỏng dài hạn của Qatar cho Đức.
“Thật tuyệt khi tôi có thể nói rằng họ đã đồng ý tham gia vào quan hệ đối tác năng lượng lâu dài. Các công ty sẽ tham gia đàm phán hợp đồng với phía Qatar”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (trái) và Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, Bộ trưởng Habeck chưa nêu chi tiết về kế hoạch nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Đức từ Qatar.
Về phía Qatar, nước này cho biết trong nhiều năm họ đã tìm cách cung cấp khi đốt cho Đức song các thảo luận giữa hai bên chưa bao giờ dẫn đến các thỏa thuận cụ thể.
Hiện tại, Qatar đã nhất trí với Đức rằng “các thực thể thương mại tương ứng của họ sẽ tham gia lại và tiến hành các cuộc thảo luận về nguồn cung cấp LNG dài hạn”.
Đức và Qatar đạt được thỏa thuận này sau cuộc gặp của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck với Ngoại trưởng Qatar Saad Sherida al-Kaabi tại Doha. Tại đây, hai bên thảo luận về mối quan hệ và hợp tác năng lượng lâu dài.
Qatar là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Theo dự kiến, nước này sẽ tăng gấp đôi sản lượng LNG từ nay đến năm 2025.
Theo ông Robert Habeck, châu Âu đang trong quá trình giảm nhập năng lượng từ Nga, song Đức chưa có cảng nhận LNG nào.
Hồi tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo về việc xây dựng hai cảng nhận LNG ở Brunsbüttel và Wilhelmshaven, song sẽ mất 3 năm để 2 cảng này đi vào vận hành.
Trong năm 2020, Đức nhập khoảng 56 tỷ m3 khí đốt từ Nga, chiếm gần 55% lượng khí đốt nước này sử dụng. Trong khi đó, tổng lượng khí đốt Liên minh châu Âu (EU) nhập từ Nga là khoảng 168 tỷ m3.
Không chỉ Đức, Anh và Nhật Bản cũng đang hướng tới Trung Đông trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine đang gây ra sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu.