Cuối tháng 5 vừa qua, Đức và Ba Lan nhất trí rằng hai nước sẽ cùng nhau thành lập một trung tâm sửa chữa và bảo trì chung ở Ba Lan, song đến thời điểm hiện tại, các vòng đàm phán vẫn đình trệ vì hai bên vẫn còn nhiều khác biệt chưa được giải quyết.
Theo thoả thuận, hai nhà sản xuất xe tăng Đức Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann (KMW) sẽ hợp tác với nhà sản xuất quốc doanh Ba Lan PGZ thành lập một trung tâm bảo trì xe tăng ở thành phố Gliwice, miền Nam Ba Lan.
Damian Ratka, một chuyên gia về vũ khí từ trang web Defence24.pl, nhận định trong một bài viết trên báo DW: “Các công ty này cần tìm ra cách phân chia lợi nhuận một cách công bằng, ai sẽ hỗ trợ mặt kỹ thuật nào và mức giá mà họ sẽ tính”.
Xe tăng Leopard 2 A7V của Đức tham gia một cuộc tập trận. (Ảnh: Getty)
Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, tình trạng thiếu phụ tùng thay thế cho xe tăng chiến đấu khiến việc sửa chữa trở nên khó khăn. Yêu cầu bảo dưỡng phức tạp của xe tăng Leopard đồng nghĩa với việc tất cả các bên phải phối hợp chặt chẽ xem ai sẽ chịu trách nhiệm về phụ tùng và thay thế nào. Về phía Ba Lan, họ có các nhà cung cấp phụ tùng phù hợp, như PCO hay Tập đoàn WB. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh với giữa các công ty hai nước.
Việc chọn địa điểm để đặt xưởng sửa chữa bảo trì xe tăng cũng đang trở thành điểm gây tranh cãi giữa hai phái đoàn Đức và Ba Lan. Ba Lan lo ngại các cơ sở dùng để phát triển vũ khí quốc tế đặt tại Ba Lan sẽ bị hạn chế hoạt động do các dự án xưởng bảo dưỡng chung Đức - Ba Lan. Cụ thể, địa điểm của Ba Lan mà ban đầu được dành riêng cho lựu pháo Krab giờ đây trở thành điểm sửa chữa các hệ thống pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức viện trợ cho Ukraine.
Các cuộc đàm phán về việc thành lập xưởng sửa chữa và bảo trì chung đang diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa hai chính phủ vốn đã căng thẳng. Chính phủ cánh tả của Đức, một liên minh gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đang đối đầu với chính phủ Luật pháp và Công lý (PiS) bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan.