Theo thống kê của Trạm Y tế xã Thạnh An, bệnh xương khớp là một trong những bệnh lý phổ biến trên địa bàn. Vì vậy, sau hơn 1 tháng công tác với vai trò là bác sĩ tăng cường, Bác sĩ Đào Xuân Tùng (Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM) đã đề xuất với Ban Giám đốc bệnh viện hỗ trợ 1.000 chỉ để áp dụng phương pháp cấy chỉ cho bệnh nhân ở xã đảo.
Theo Bác sĩ Đào Xuân Tùng, một trong những lý thuyết quan trọng của y học cổ truyền là sử dụng các huyệt đạo để điều hòa chức năng cơ thể, nâng cao sức khỏe. Phương pháp cấy chỉ là phương pháp chữa bệnh đặc biệt không dùng thuốc, phát triển dựa trên nền tảng châm cứu cổ truyền nên phát huy được nhiều ưu thế, có hiệu quả cao trong điều trị bệnh nan y, mạn tính, có tác dụng giúp phục hồi chức năng.
Bác sĩ Đào Xuân Tùng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM đang thực hiện cấy chỉ cho bệnh nhân bị tê tay.
Đối với phương pháp cấy chỉ, bệnh nhân chỉ cần thực hiện khoảng 2-3 tuần/lần, có thể điều trị ngoại trú, giảm bớt thời gian và chi phí điều trị; tính an toàn cao và không gây ra các tai biến nguy hiểm, đặc biệt, giảm lượng thuốc phải dùng kết hợp điều trị.
Khi cấy chỉ vào huyệt sẽ tạo ra tình trạng giãn mạch và tăng tuần hoàn tại chỗ, giải phóng các chất trung gian gây nên tác dụng giảm đau, giúp kích thích các cơ, tổ chức tại chỗ. Bằng việc thông qua sợi thần kinh sẽ truyền những tín hiệu đến các cơ quan nội tạng, vùng não tương ứng, từ đó sẽ gây những phản ứng toàn thân nhằm điều hòa lại những rối loạn chức năng ở tổ chức bệnh.
Xét về tính an toàn, Bác sĩ Tùng cho biết: “Chỉ thực hiện cấy đều được tiệt trùng chỉ dùng một lần, không phải qua các bước hấp, sấy giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm khuẩn. Các kích cỡ kim của chỉ rất nhỏ, diện tích xâm lấn qua da vào mô cơ thể nhỏ, vì thế, tính an toàn được nâng cao hơn”.
Anh Bùi Thanh Sơn (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An) được Bác sĩ Đào Xuân Tùng cấy chỉ vào khớp gối.
Bác sĩ Tùng cũng nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý, tiêu chuẩn người cấy chỉ phải là bác sĩ được đào tạo chuyên ngành, đặc biệt với y học cổ truyền là bác sĩ chuyên khoa và có đào tạo thêm về chứng chỉ cấy chỉ. Cơ sở phải bảo đảm đầy đủ điều kiện vật chất, các bác sĩ phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.
Anh Bùi Thanh Sơn (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An) cho biết, trước đây, bà con xã đảo cũng biết đến phương pháp cấy chỉ trong quá trình lên Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM thăm khám. Vì vậy, khi đưa được phương pháp cấy chỉ xuống xã đảo, người dân ở đây rất phấn khởi.
"Sau khi bác sĩ cấy chỉ vào chân, tôi cảm thấy không đau, không nhức cũng không ảnh hưởng đến việc di chuyển”, anh Sơn nói.
Bác sĩ Luân Thanh Trường,Trưởng trạm Y tế xã đảo Thạnh An cho biết, việc áp dụng phương pháp cấy chỉ giúp giảm việc bà con tự uống thuốc không rõ nguồn gốc, từ đó giảm bớt tình trạng bệnh chuyển biến nặng, kịp thời điều trị bệnh liên quan xương khớp.