Ngày 10/8, tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài theo hướng Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ông Nguyễn Thành Tâm - bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Thành Tâm cho biết từ lâu khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh (đã được Chính phủ thành lập từ năm 1998, với quy mô trên 21.000ha), là một trong những khu kinh tế cửa khẩu được trung ương quan tâm, thành lập sớm nhất trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Mộc Bài có quy mô và tiềm năng rất lớn để trở thành giao điểm của hành lang kinh tế phía Nam. Với chính sách mở và ưu đãi ở giai đoạn đầu mở cửa, Mộc Bài đã có những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, Mộc Bài bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập, gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia.
“Cần xác định rõ lộ trình, phải kết hợp cả những thể chế đồng bộ, nhất là ưu đãi về sử dụng đất, về thuế, tài chính, các điều kiện liên quan đến các hạ tầng khác để thu hút nhà đầu tư.
Đặc biệt, nếu Tây Ninh hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rút ngắn quãng đường đến sân bay Tân Sơn Nhất, cũng là động lực lớn để phát triển”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng nhìn nhận, có lúc Mộc Bài đứng yên trong sự thay đổi rất nhanh của thế giới, và đã đánh mất cơ hội. Nguyên nhân của điều này là do quan niệm về khu kinh tế còn chưa rõ, rất hẹp, chưa đặt rõ vị trí của Mộc Bài đối với cả vùng nên chưa tạo được sự hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp.
Cũng tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia kinh tế đã có nhiều ý kiến trình bày, thảo luận làm rõ hạn chế, vướng mắc và đề xuất kiến nghị các giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhìn chung các ý kiến đều cho rằng Mộc Bài cần có những giải pháp đặc thù để phát triển.
Các đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp đặc thù cho Mộc Bài và đặc biệt phải phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, đơn cử như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Từ đó, đưa Mộc Bài trở thành điểm kết nối giao thương, văn hóa của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và quốc gia nói chung.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập từ năm 1998 tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, với quy mô trên 21.000ha, được Chính phủ xác định là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách.
Đặc biệt, những năm đầu khi thực hiện chính sách miễn thuế tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tình hình hoạt động tại đây rất sôi động. Quan hệ giao thương với các nước ASEAN thông qua hoạt động xuất nhập khẩu qua lại cửa khẩu ngày càng được mở rộng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới.