Người hâm mộ Việt Nam đã biết đến VAR, nhưng bóng đá Việt chưa thể có VAR, vì nhiều lý do khác nhau. Tất nhiên, không có VAR thì bóng đá vẫn tồn tại và phát triển, nhưng với một giải đấu nhiều vấn đề như V.League, áp lực dành cho các trọng tài phải dùng đến từ “khủng khiếp”.
V.League 2022 chứng kiến nhiều sai sót, ở nhiều mức độ, của các trọng tài. Có người bị đình chỉ làm nhiệm vụ ít vòng đấu, mới trở lại đã lập tức đi vào vết xe đổ của những sai sót. Những sai sót đó đương nhiên ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ, huấn luyện viên bức xúc, ảnh hưởng đến không chỉ đội bóng mà còn là kết quả của cả giải đấu.
Sự bức xúc đã dẫn đến cách đối phó một cách tự phát, như việc câu lạc bộ Hải Phòng phát chậm hình ảnh qua màn hình lớn trên sân. Tất nhiên, điều đó không được phép, nhưng ví dụ cho thấy sự cần thiết phải đưa VAR về Việt Nam.
Bi hài kịch tại Pleiku tối hôm qua 28/10.
Hiện tại, VPF đang chờ FIFA phê duyệt giai đoạn 1 và chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 (tổng 5 giai đoạn).
Tại giai đoạn 2, nhóm giảng viên trọng tài VAR đang xây dựng chương trình đào tạo lý thuyết VAR và sẽ nộp lên FIFA chậm nhất là đầu tháng 11. Sau khi được FIFA phê duyệt, công tác đào tạo trọng VAR sẽ được tiến hành. Mục tiêu là trong tháng 11 tới sẽ bắt đầu đào tạo.
FIFA yêu cầu tối thiểu 40 trọng tài VAR tuy nhiên VPF muốn xây dựng đội ngũ đông đảo hơn để dự phòng các tình huống có thể xảy ra. Song song với đào tạo trọng tài, VPF cũng đang thông qua FIFA để làm việc với các nhà cung cấp thiết bị và dự kiến cuối năm sẽ chọn xong đối tác.
Nếu hoàn thiện nhanh 5 bước từ FIFA, VAR có thể kịp có mặt ở V-League mùa 2023 - 2024, dự kiến khai mạc vào tháng 11/2023 và kết thúc vào tháng 6/2024. Đây cũng là mùa đầu tiên bóng đá Việt Nam chuyển đổi lịch thi đấu giống như châu Âu nhằm đồng bộ hóa lịch thi đấu toàn cầu theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Tại Châu Á, cũng chỉ có quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, UAE và Thái Lan là đã có VAR, với chi phí khoảng từ 2.300USD cho đến 6.000USD. Theo nghiên cứu mà Malaysia thực hiện khi có kế hoạch dùng VAR, lắp đặt VAR trong một sân tiêu tốn khoảng 150.000USD. Ước tính cho thấy, VPF sẽ cần đầu tư khoảng 70 tỉ đồng để đưa VAR về Việt Nam.
Phút bù giờ thứ 3 của hiệp 2 trận đấu giữa Bình Định vs HAGL tối ngày 28/10, tiền vệ Trần Minh Vương nhận bóng từ đường chọc khe của Vũ Văn Thanh. Anh bị ngã trong vòng cấm, khi ở 2 bên là hậu vệ Bình Định. Ngay lập tức, trọng tài Trần Ngọc Nhớ chỉ tay vào chấm phạt đền, trong sự bức xúc và phản ứng quyết liệt của cầu thủ Bình Định. Trung vệ Adriano Schmidt của Bình Định thậm chí còn nổi cáu, đặc biệt khi cầu thủ Mauricio của HAGL lao lên phản ứng với cầu thủ Bình Định. Trả lời phỏng vấn sau trận, tiền vệ Đỗ Văn Thuận của Bình Định bức xúc: "Chúng quyết tâm giành 3 điểm trước HAGL nhưng giờ không biết phải nói gì. Trong quả penalty vừa rồi, không ai va chạm gì cả. Tôi không hài lòng với công tác trọng tài". "Khi tôi ra sân, tôi có hỏi Minh Vương rằng tình huống đó có đúng là phạt đền hay không. Minh Vương nói với tôi đó không phải phạt đền", Văn Thuận khẳng định. |