Hàng loạt giải thưởng danh giá và danh hiệu do các tổ chức quốc tế dành cho du lịch Việt Nam đã cho thấy, dù “lượng” giảm, nhưng “chất” của du lịch Việt Nam vẫn ngày càng khẳng định vị thế.
Sun World Ba Na Hills.
“Lượng” giảm vì COVID-19, “chất” vẫn tăng
Tại Hội nghị toàn quốc du lịch năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra nhận định: “Mấy năm qua, chúng ta đã đạt bước tiến lớn cả về số lượng và chất lượng. Không phải đơn giản người ta xếp Việt Nam vào Top 10 quốc gia có sức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Đấy là về số lượng. Về chất lượng, không chỉ là chỉ số cạnh tranh du lịch tăng 13 bậc, mà còn thể hiện ở việc chúng ta đạt được nhiều giải thưởng uy tín”.
Nếu nhìn vào những con số biết nói và sự thay đổi về vị thế của du lịch Việt Nam trong vòng 3 năm gần đây (2017-2019) mới thấy, những nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là hoàn toàn xác đáng.
InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort.
Năm 2019, Việt Nam đón lượng khách kỷ lục với 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 720.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm liên tiếp (2017-2019) của ngành du lịch đạt 22%/năm – tỷ lệ cao chưa từng có trước đó.
Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/ lần), du lịch Việt Nam tăng tới 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế (năm 2015) lên vị trí 63/140 (năm 2019).
Một bước đột phá đáng kể của du lịch Việt Nam còn thể hiện ở “bộ sưu tập” giải thưởng quốc tế “khủng” mà các tổ chức quốc tế uy tín liên tiếp trao tặng cho các công trình, điểm đến, sản phẩm dịch vụ của Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây.
Từ các giải bình chọn của các tổ chức uy tín như Trip Advisor, CN Traveller cho đến những giải thưởng danh giá như World Luxury Hotel Awards hay World Travel Awards- được mệnh danh là giải “Oscar” của du lịch, Việt Nam luôn là cái tên được xướng danh ở hầu hết các hạng mục.
Ngay trong năm 2020 và 2021, dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng vì dịch COVID-19, thì tên tuổi Việt Nam vẫn thăng hạng đáng kể trên bản đồ du lịch thế giới nhờ “ẵm” hàng chục giải thưởng WTA khu vực châu Á và thế giới, đồng thời liên tục được các tổ chức/báo chí quốc tế vinh danh.
Giải mã những nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thăng hoa đột phá của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây. Một trong những yếu tố quan trọng nhất, chính là sự quan tâm, đầu tư lớn của Chính phủ và chính quyền các cấp tại các địa phương dành cho ngành du lịch.
Từ năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Đây là văn bản có tính chiến lược, góp phần hoạch định hướng đi căn bản của ngành Du lịch với tầm nhìn dài hạn theo quan điểm, mục tiêu và các giải pháp then chốt. Với tinh thần quyết liệt đầu tư cho Du lịch từ Trung ương, các địa phương cũng dồn mọi nguồn lực cho Du lịch để đưa ngành công nghiệp không khói thành “đầu tàu” của nền kinh tế.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Đặc biệt, không thể không kể đến vai trò chủ chốt của những nhà đầu tư chiến lược trong việc đánh thức nhiều vùng đất giàu tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam từ cách đây 5-10 năm.
Sự xuất hiện của hàng loạt công trình du lịch đẳng cấp vượt thời gian do các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group… xây dựng và vận hành trải khắp dải đất hình chữ S, đã từng bước đưa tên tuổi Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới.
Nhiều vùng đất vốn chỉ mờ nhạt trên bản đồ du lịch trong nước, giờ đây đã được thế giới nhắc đến như một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua nhờ có công trình đẳng cấp, độc đáo, đạt nhiều giải thưởng quốc tế như: Sa Pa (Lào Cai) với KDL Sun World Fansipan Legend hai năm liên tiếp 2019-2020 được World Travel Awards vinh danh là “Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu thế giới”; Quảng Ninh nổi danh với Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn - Sân bay mới hàng đầu thế giới 2019, Sân bay khu vực hàng đầu Thế giới 2020, Cảng hành khách quốc tế Hạ Long – Cảng tàu khách hàng đầu châu Á…; Đà Nẵng nhiều năm nay đã trở thành điểm đến quốc tế với các công trình nổi danh thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort - khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới liên tiếp 4 năm liền hay Sun World Ba Na Hills - Biểu tượng du lịch hàng đầu thế giới 2020 hay Cầu Vàng – Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới, Kỳ quan mới của thế giới…
Với những nỗ lực đó, hệ thống hạ tầng vốn vị xem là điểm yếu của du lịch Việt Nam trước kia nay đã lột xác ngoạn mục. “Khoảng 10 năm trước, du khách quốc tế có mức chi trả cao đến Việt Nam không có nơi tiêu tiền, thì nay họ không khỏi choáng ngợp khi hạ tầng du lịch nước ta được đầu tư chuyên nghiệp, đẳng cấp, sở hữu nhiều khu nghỉ dưỡng, resort hàng đầu thế giới. Các nhà đầu tư chiến lược cũng góp phần quan trọng trong việc định hình cách làm du lịch chuyên nghiệp, tạo tiền đề cho sự bứt tốc, thăng hoa của du lịch Việt Nam ngày hôm nay”- ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtour dẫn chứng.
Ngay trong đại dịch, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp du lịch lớn cũng khẳng định vai trò tiên phong khi luôn dắt dắt các xu hướng du lịch mới mẻ, du lịch an toàn phù hợp với mùa dịch, giúp “kích hoạt” thị trường nội địa tăng trưởng mạnh mẽ.
Về lâu dài, để du lịch Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ du lịch thế giới, các chuyên gia du lịch cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư đủ tầm, nguồn lực để sẵn sàng biến hóa, kiến tạo, làm mới sản phẩm, dịch vụ ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng như COVID-19.