Thông tin tại buổi họp báo quý I của Bộ Quốc phòng sáng 9/4, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho biết, vaccine do Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất đến nay hoàn thành tiêm mũi 1 (để xác định độ an toàn của vaccine) và mũi 2 (để khẳng định lại độ an toàn và hiệu quả kháng bệnh) cho khoảng hơn 500 người. Giai đoạn tiêm mũi 3 đang được chuẩn bị để tiêm ở phạm vi rộng hơn với khoảng 10.000 người.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên thông tin tại họp báo.
“Sau khi hoàn thành tiêm mũi 3, dự kiến khoảng 3 tháng sau đó, chúng ta sẽ có vaccine để ngăn chặn dịch. Chúng ta sẽ có 'vũ khí' của chính mình để chống lại virus corona chủng mới”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên khẳng định.
Chia sẻ thêm về công tác phòng chống dịch, Cục trưởng Cục Quân y cho biết, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Quốc phòng, quân đội luôn luôn đi đầu thực hiện chiến lược phòng chống dịch quốc gia của cả nước, cùng nhân dân và cả hệ thống chính trị ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập: quản lý tốt biên giới đường bộ,triển khai hàng chục nghìn lượt cán bộ chiến sĩ cho gần 2.000 chốt. Đây là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn dịch xâm nhập.
Lực lượng biên phòng tăng cường các điểm chốt, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở tuyến biên giới; ngăn chặn nhập cảnh trái phép không để dịch lây lan qua biên giới (điều động hơn 2.800 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các học viện, nhà trường trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường cho các tuyến biên giới; duy trì quân số làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại 1.613 tổ, chốt với hơn 10.000 người tham gia.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, trong quá trình phòng chống dịch, ngoài sự nỗ lực của quân đội nói chung, lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng, phải kể đến sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và đặc biệt là người dân. Những trường hợp vượt biên đều được người dân phát hiện thông báo, không để họ đi vào sâu trong nội địa. Có thể khẳng định, sự phối hợp của biên phòng với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân đã được phát huy tốt.
Đặc biệt, trong công tác quản lý và khống chế dịch trong nước, trải qua 3 đợt bùng phát, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cũng đánh giá cao vai trò và kỷ luật quân đội, giúp cho công tác quản lý phòng chống dịch bớt khó khăn.
Tính từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, đến nay, quân đội đã tổ chức triển khai 175 điểm cách ly cho 191.363 công dân; hiện tổ chức 55 điểm đang cách ly cho 4.029 công dân nhập cảnh, các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng, không để lây chéo trong khu vực cách ly; truy vết, cách ly, xét nghiệm kịp thời các trường hợp có liên quan các ổ dịch tại 13 tỉnh, thành phố.
Bộ đội biên phòng tại các điểm chốt chặn và cửa khẩu trên tuyến biên giới được xét nghiệm bằng test kháng thể (6.686 mẫu, kết quả 100% âm tính); xử lý, khống chế 2 ổ dịch COVID-19 tại Nhà máy Z153 Tổng cục Kỹ thuật (6 ca) và Trung tâm Viettel Đông Triều, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (1 ca); chỉ đạo xử lý phòng, chống dịch Covid-19 cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan (1 ca mắc).
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí tại họp báo quý I Bộ Quốc phòng, liên quan vấn đề tiêm vaccine cho các lực lượng trong quân đội, ông Kiên cho biết, bộ đội biên phòng là 1 trong những lực lượng được ưu tiên hàng đầu của đợt tiêm vaccine đầu tiên. Cùng với lực lượng biên phòng ở các cửa khẩu biên giới, là các đơn vị làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly và các bệnh viện; lực lượng làm y tế dự phòng đi lấy mẫu xét nghiệm, các phân đội phòng chống dịch cơ động, các ban chỉ đạo phòng chống dịch... Lực lượng biên phòng ở khu vực biên Tây Nam bao gồm các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh và Long An đã được tiến hành tiêm vaccine.
Ông Kiên cũng cho biết, đợt 1, quân đội nhận được 20.000 liều vaccine AstraZeneca do Bộ Y tế giao, đã thực hiện tiêm từ 15/3 cho bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã lên đường sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ, đồng thời chuyển vaccine để lực lượng này tiêm mũi 2. Việc tiêm vaccine cho 4 đối tượng ưu tiên được tiến hành bắt đầu từ 1/4 đến hết tháng 4 sẽ hoàn thành đợt 1.