Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dự kiến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

(VTC News) -

Dự kiến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/5, làm việc 26 ngày để xem xét nhiều nội dung về lập pháp, kinh tế - xã hội và các vấn đề quan trọng khác.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là 26 ngày.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: quochoi.vn)

"Khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào sáng 27/6, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy (ngày 25/5 và ngày 8/6). Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội", ông Bùi Văn Cường nói.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, kỳ họp được tổ chức theo 2 đợt. Cụ thể: đợt 1 là 17 ngày (từ ngày 20/5 đến ngày 8/6); đợt 2 là 9 ngày (từ ngày 17/6 đến sáng 27/6).

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị tăng thời gian thảo luận ở hội trường của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lên 1 ngày.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý với đề nghị của Thường trực Ủy ban Xã hội về thời gian thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đối với nội dung về kết quả thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến có thể bố trí thảo luận nội dung này cùng với các phiên thảo luận ở tổ và hội trường về kinh tế - xã hội.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị giữ nguyên việc bố trí thời gian 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp như dự kiến.

Bên cạnh phiên khai mạc, phiên bế mạc, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, phiên chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp trên VTV, VOV và Truyền hình Quốc hội Việt Nam đối với nội dung "Giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Ông Bùi Văn Cường cũng đề xuất bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật, báo cáo có tác động lớn, được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Cụ thể: 6/10 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

10/11 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Anh Văn

Tin mới