Năm giờ sáng, tôi đặt chân xuống sân bay Nội Bài với những hi vọng về một cuộc sống mới ở đất nước mà tôi yêu mến. Cuối cùng tôi cũng thực hiện được điều này.
Ngay sau khi hạ cánh, chúng tôi được đón tiếp bởi những hàng rào chắn và một bản khai báo sức khỏe bắt buộc. Ai cũng được khử trùng, nhân viên mặc trang phục bảo hộ. Tất cả đều rất thật chứ không còn là những lời mô tả trên báo chí nữa.
Mỗi người trong đoàn chúng tôi phải chờ đến lượt được khử trùng. Tôi thấy mừng vì mình đã điền xong bản khai báo trực tuyến và bỏ qua được bước xếp hàng. Nhưng rồi tôi lại phải điền thêm những tờ phiếu khác, càng bối rối hơn. Cuối cùng họ lấy mẫu thử từ họng và ra hiệu cho tôi vào khu vực đặc biệt.
Tôi nhìn lại dòng người xếp hàng đang di chuyển chậm chạp. Người châu Âu, người Việt Nam, ai cũng phải chờ đợi. Hàng tiếng đồng hồ trôi qua, sự sốt ruột ngày một lớn hơn và chẳng ai trong chúng tôi được biết thêm điều gì.
Gavin Wheeldon trong khu cách ly.
Một nhóm khách du lịch lớn tuổi bên cạnh buông lời phàn nàn. Nhưng tôi nhận ra rằng mình không phải người duy nhất cảm thấy hoang mang. Ngay cả các nhân viên cũng không biết phải làm gì với chúng tôi. Tôi nhận thấy rằng ở chỗ khác người ta đang bàn bạc xem sẽ đưa chúng tôi đi đâu.
Khoảng bốn, năm tiếng sau, họ đưa ra hai lựa chọn cho chúng tôi. Lấy lại hộ chiếu và lên máy bay rời khỏi đây hoặc chấp nhận cách ly 14 ngày để được vào Việt Nam. Mọi thứ đều miễn phí trừ khi kết quả xét nghiệm là dương tính. Người nước ngoài phải thanh toán viện phí, người Việt Nam được miễn.
Khi mọi người bắt đầu phàn nàn và hỏi đi hỏi lại, tôi thấy thương người phiên dịch. Cô ấy ở đây để giúp đỡ chúng tôi. Mọi thứ đều rất nhân văn. Chúng tôi là khách đến một đất nước đang nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân của mình và làm điều đó cho cả chúng tôi. Đó là bản tính tốt bụng của người Việt Nam.
Tất cả hành khách người Việt đều chọn vào khu vực cách ly, còn chúng tôi đang lựa chọn. Dù câu trả lời là gì thì chúng tôi cũng không được thay đổi quyết định. Bốn người phương Tây chúng tôi hoàn toàn xa lạ với chuyện này. Chúng tôi không biết điều gì đang đợi phía trước hay mình sẽ được đưa tới đâu.
Chúng tôi được đưa tới một chỗ giống như cổng vận chuyển hàng hóa và lên xe. Những cuốn hộ chiếu được bỏ vào trong một chiếc túi màu vàng có ký hiệu chất độc sinh học. Chúng tôi nhận ra mình chính là đối tượng nguy hiểm.
Khi rời khỏi sân bay, chúng tôi bắt đầu hình dung xem tình hình tiếp theo sẽ như thế nào. Liệu chúng tôi có được ăn uống đầy đủ không? Liệu chúng tôi có ở gần những người nhiễm bệnh hay không?
Cảnh vật bên ngoài thay đổi từ đường phố đông đúc đến cao tốc dẫn tới miền quê rồi dừng lại ở một doanh trại quân đội.
Hành lý của du khách được khử trùng ở sân.
Sau khi khử trùng chiếc xe, họ đưa chúng tôi tới một khoảng sân rộng, nơi hành lý được phun thuốc. Tôi nhìn quanh và thấy có hai tòa nhà lớn có hàng rào chắn. Tất cả mọi người vẫn mặc đồ bảo hộ.
Từng người một, chúng tôi đăng ký và được đưa lên tận phòng. Họ tách riêng người châu Âu với các nơi khác và chia khu vực nam nữ. Người khuyết tật hoặc có con nhỏ được ở phòng riêng.
Cảnh tượng ở sân bay rất hỗn loạn, nhưng khu cách ly lại cực kỳ trật tự. Rõ ràng khi thế giới còn đang ngập ngừng thì Việt Nam đã bắt tay vào chuẩn bị rồi.
Tôi nhìn ngắm cảnh vật xung quanh trên đường về phòng. Điều kiện ở đây tốt hơn so với tưởng tượng của tôi. Bốn anh Tây chúng tôi ở chung một phòng với những chiếc giường tầng kiểu quân đội.
Chúng tôi trò chuyện rồi ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau chúng tôi cãi cọ một chút về việc nói chuyện trong lúc người khác đang ngủ. Chúng tôi làm hòa với nhau, rõ ràng là phải biết nghĩ cho người khác. Bữa sáng bằng bánh mì làm thỏa mãn cơn đói. Tôi đã rất nhớ hương vị của bánh mì thực sự.
Lát sau, một người lính tới đưa cho tôi chiếc SIM điện thoại. Tôi muốn gửi tiền típ nhưng anh ấy không nhận, chỉ lấy tiền SIM thôi.
Người phiên dịch cũng có mặt ngay sau đó và hỏi chúng tôi về khoảng thời gian ở đây. Cô ấy nói rằng mình không phải là người của đại sứ quán, chỉ làm tình nguyện viên ở đây. Cô ấy đã mạo hiểm để giúp chúng tôi.
Đến nửa đêm chúng tôi biết tin rằng tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính, trừ một quý ông lớn tuổi ngồi ghế hạng thương gia.
Tôi cảm thấy vừa nhẹ nhõm lại vừa lo lắng, liệu mình có ngồi gần ông ta lúc nào không? Liệu tôi có lỡ chạm vào thứ gì chung với ông ấy không? Tất cả những gì tôi biết là ông ấy không đi cùng chúng tôi ở sân bay. Chúng tôi liên lạc với người thân, trấn an họ và báo tin rằng sẽ phải ở lại đây 14 ngày.
Căn phòng cách ly tập trung
Ở bên ngoài, mọi thứ thật yên bình. Nơi này rất yên tĩnh. Những người lính làm việc không biết mệt mỏi để vệ sinh phòng ốc hàng ngày, ghi lại số đo thân nhiệt của chúng tôi và dọn dẹp. Tôi cảm thấy như đang đi nghỉ cắm trại hơn là đang đi cách ly. Chúng tôi chia sẻ với nhau những gói snack, hoa quả và nhận được đồ tiếp tế từ người thân.
Tôi ra ngoài đi dạo về phía sau khu nhà. Một anh người Việt đến chào và hỏi tôi vài câu, rằng trong phòng có bao nhiêu người. Tôi nói là 4, còn anh ta ở chung với 16 người. Bạn tôi chợt nhắc rằng phải nói chuyện thận trọng để người khác không nghĩ rằng chúng tôi được hưởng đặc quyền trong việc cách ly.
Chúng tôi biết rằng số lượng người cách ly ở đây sẽ sớm lên tới 700. Trong vòng 12 giờ tiếp theo, từng đoàn xe đến và đi liên tục suốt đêm. Đến sáng, chúng tôi đã có hàng xóm mới và tòa nhà đối diện đã chật kín người.
Nỗi lo lắng bắt đầu xuất hiện. Liệu chúng tôi có bị lây nhiễm không trong đám đông không? Người phiên dịch nói rằng chúng tôi ở đây là để cách ly khỏi Việt Nam chứ không phải cách ly với nhau. Tôi chụp vài bức ảnh và đi bộ xung quanh. Có vài món hành lý vì một lý do nào đó vẫn còn ở ngoài sân, có cả xe đẩy trẻ em.
Tình hình nơi đây vẫn ổn nhưng chúng tôi lo là chuyện đó thay đổi. Có lẽ càng nhiều người lạ thì căng thẳng càng tăng. Chẳng biết được điều gì, nhưng chúng tôi đều đang ở đây cùng nhau. Rõ ràng là Việt Nam đang rất nỗ lực để giữ cho mọi người được an toàn.