Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp cận kề trong từng ngõ ngách từ làng quê đến phố phường. Tết là thời điểm đất trời bước vào xuân, mùa căng tràn nhựa sống. Mẹ tôi cho rằng, mùa xuân thì trăm hoa phải đua nở. Vì thế khi trời bắt đầu trở gió chướng, dù miệng than đau nhức khắp người, mẹ vẫn khệ nệ bê những chậu đất để chuẩn bị gieo hạt trồng đủ loại hoa cho khoảng sân ngày Tết thêm hương sắc.
Với mẹ, mùa xuân sẽ nhạt hương vị nếu thiếu đi sắc hoa đua nở bên ong bướm dập dìu. Dù ngày nay hoa bán đầy các chợ, mọi người thường mua về trưng cho tiện nhưng riêng với mẹ, Tết mà không trồng hoa thì mất hẳn niềm vui. Ngày mấy lần mẹ khệ nệ xách thùng đi tưới, đêm soi đèn bắt ốc vì sợ chúng cắn phá hết cây con mới nhú. Mệt nhưng mẹ xem đó là sự khuây khỏa của tuổi già.
Mẹ nói, khi xưa cuộc sống đồng quê rất xa chợ búa. Khi gió chướng chớm mùa, ngoại cùng bà con lối xóm bắt đầu gieo hoa cúc, vạn thọ, mào gà… để kịp cho Tết có không khí tươi mới chứ nào biết đi chợ mua hoa là chi. Rồi cứ thế cho đến lúc ngoại mất, việc trồng hoa đón Tết giúp mẹ trở về miền ký ức của những ngày đầu xuân còn ngoại.
(Ảnh: Gardenia)
Suốt ngày, mẹ loay hoay ngoài sân, khi thì sửa sang, uốn nắn lại bụi hoa giấy, tỉa tót hàng dâm bụt, khi thì bắt sâu, tỉ mỉ vun xới, tưới nước cho những mầm xanh vừa mới nhú. Đôi lúc, mẹ lại dời những chậu hoa vào góc nọ rồi đổi sang góc kia để trốn những cơn gió chướng dập dìu thổi gãy cây, héo ngọn.
Có khi tôi thấy mẹ ngồi thẫn thờ lo mấy đám hoa trước sân không kịp bung nở đón Tết. Sáng sớm ngồi bên hiên nhà xạc xào gió, nhìn mấy cây hoa lèo tèo lắc lư, mẹ bấm đốt tay đếm đếm mà sốt hết cả ruột. Mẹ lo khoảng sân thiếu đi những cụm hoa cúc, màu gà, vạn thọ vàng rực rỡ thì coi như hương vị ngày Tết chưa chi đã nhạt dần.
Lắng lòng nhìn quanh, thấy hiếm ai như mẹ tôi đến nay vẫn còn chộn rộn trồng hoa chuẩn bị Tết. Những ngày cuối năm, người ta chỉ việc chạy xe quanh phố dạo vài vòng là có ngay những chậu hoa đẹp. Mẹ lại không thích thế, mẹ lo sợ hoa người ta nhiều thuốc, hương có thơm cũng không dám ngửi; đâu như hoa của mẹ, chỉ trồng hữu cơ, tuy màu sắc chưa đủ tươi tắn nhưng tha hồ cho con cháu hít hà.
Mẹ thích cảm giác nhìn mấy bụi hoa lớn lên mỗi ngày theo từng cơn nắng, gió. Sáng ra xé xuống tờ lịch thấy năm cũ vơi dần, đưa mắt ngó ra sân xem mấy bụi hoa có cao thêm một chút, đến lúc chúng đâm chồi, hé nụ, hoa nở là lòng đã sang xuân.
Tôi biết rằng, mẹ trồng hoa đón Tết thật ra không vì sợ hoa hoá chất ngoài chợ. Trong sâu thẳm tâm hồn bà, trồng hoa là để nhớ về hương vị Tết quê xưa, giờ đây chỉ còn lại trong miền ký ức. Đó là vùng quê tuy nghèo nhưng không khí đón Tết luôn rộn ràng từ chòm trên đến xóm dưới. Trồng hoa để thấy tuổi xế bóng còn làm được việc có ích cho con cháu, còn có thể vun đắp sự sống từ bàn tay chai sạm.
Mẹ ươm những mầm hoa kia còn để cháu con biết đến, mong lưu giữ một nếp nhà, một phong tục xưa cũ thời ông bà, giữ cho khoảng sân nhà rực rỡ những bụi hoa để vị Tết đừng nhạt dần theo năm tháng trong tâm hồn lớp trẻ thời nay.
Mời độc giả tham gia diễn đàn “Ký ức Tết xưa”
Những gì tốt nhất, đẹp nhất cả về vật chất lẫn tinh thần, người Việt Nam thường dành cho Tết Nguyên đán, vì thế đó là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm, cũng là khoảng thời gian in đậm trong ký ức mỗi người với những cảm xúc, kỷ niệm khó phai.
Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Ký ức Tết xưa”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: toasoan@vtcnews.vn.