Trốn và tìm cách chống đối
Trước đây, mỗi tuần anh Lê Đình Mạnh (trú tại phường Nhân Hòa, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng đội bóng tụ họp và liên hoan bằng một bữa nhậu tại cửa hàng gần sân bóng. Đa số thành viên làm kinh doanh nên mỗi lần nhậu hết vài két bia, ngồi với nhau đến 22-23h đêm rồi mới đi xe máy về.
Từ ngày cơ quan chức năng ra quân xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đội bóng của anh Mạnh chuyển địa điểm vào một cửa hàng sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Vũ Hữu. Sau bữa nhậu, thành viên không uống đi cảnh giới phía trước, nếu thấy chốt của CSGT sẽ thông báo cho các thành viên khác.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hoàn)
“Quán nhậu này có nhiều đường nhỏ nối nhau, không phải vòng ra các đường lớn nên anh em cũng đỡ lo công an xử lý. Vẫn biết đang vi phạm, nhưng thói quen cũ chưa thể bỏ ngay được, cố gắng uống ít hơn mà thôi”, anh Mạnh nói.
Trên mạng xã hội, nhiều người còn đưa ra phương án trang bị áo và mũ xe ôm công nghệ để dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Dù các hãng xe ôm công nghệ có quy trình tuyển chọn đối tác chặt chẽ và phát đồng phục rất nghiêm túc, nhưng chỉ cần lên mạng, khách hàng dễ dàng sắm cho mình một bộ đồng phục.
Một combo áo khoác, mũ bảo hiểm, áo thun của các hãng xe ôm công nghệ thường được chào bán với mức giá từ 65.000 đồng đến 199.000 đồng. Tuy nhiên, ngay cả các lái xe Grab cũng bị xử lý.
Tối 2/1, trên đường đi đón khách, anh Hoàng Trọng T, tài xế xe ôm Grab, bị Tổ công tác Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ tại ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội) dừng xe kiểm tra. Các chiến sỹ yêu cầu anh thổi qua máy kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt 2 triệu đồng.
Ngoài việc chuyển địa điểm ăn uống về gần nhà, trong ngõ hay mua đồng phục xe ôm công nghệ, nhiều người còn cho rằng xuống dắt bộ, để xe lại và chạy đi nơi khác thì mức phạt không chấp hành hiệu lệnh cũng nhẹ hơn mức phạt có nồng độ cồn trong người.
Thực tế, những ngày qua xảy ra nhiều trường hợp không thổi vào máy đo nồng độ cồn, khóa xe bỏ đi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn áp dụng những hình phạt cụ thể để xử lý hành vi này.
Bỏ xe càng bị phạt nặng
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), cho biết, với những người bị phát hiện có hành vi điều khiển phương tiện, dù ở vị trí nào cũng sẽ bị lập biên bản.
“Trường hợp cố tình xuống dắt xe khi gặp chốt sẽ bị chúng tôi dừng xe kiểm tra theo đúng quy trình vì trước khi yêu cầu dừng phương tiện, tổ công tác đã quan sát từ xa. Khi gặp lực lượng CSGT, người vi phạm có nhảy xuống thì hình ảnh đã được ghi lại từ trước”, ông Long nói.
Theo ông Long, việc xử lý được thực hiện đồng bộ và kiểm tra bất kỳ người lái xe nào có biểu hiện vi phạm luật an toàn giao thông nên dù có mặc quần áo xe ôm công nghệ hay không vẫn sẽ bị yêu cầu dừng phương tiện.
Ông Long cho biết, trường hợp thấy đội CSGT kiểm tra nồng độ cồn mà để xe lại, bỏ chạy thì mức xử phạt tương đương mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất.
“Luật đưa vào cuộc sống là để đảm bảo an toàn cho người dân. Thế nên thay vì cố tìm cách “lách” luật, mọi người nên chấp hành nghiêm chỉnh để an toàn cho chính bản thân mình cũng như những người tham gia giao thông khác”, ông Long nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, hành vi không tuân thủ việc kiểm tra nồng độ cồn hay khóa xe bỏ đi đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Luật sư Cường dẫn Khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người lái xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy.
Luật sư Cường khuyến cáo, dù có những phương tiện giao thông giá trị thấp hơn mức xử phạt, nhưng trong trường hợp này người tham giao thông vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.
Sau 6 ngày áp dụng Nghị định 100, CSGT toàn quốc kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp.