GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thông qua phổ điểm năm nay có thể nhận định, từ đề thi cho đến kết quả ổn định hơn so với những năm gần đây.
"Tôi đánh giá kết quả của kỳ thi khách quan. Trên một mặt bằng chung kiến thức của toàn quốc, phổ điểm năm nay hoàn toàn có thể tin cậy để các trường đại học có mặt bằng chung xét tuyển vào đại học", ông nói.
Thông qua kết quả các môn thi, chúng ta thấy được ma trận đề thi cũng như độ khó dễ cơ bản đã giữ ở mức ổn định và tất cả các môn đều có chuyển biến rất tích cực.
Điều đó thể hiện ở điểm trung bình dưới 5 của tất cả các môn đều có sự cải thiện đáng kể. Kể cả các môn như Toán, Lịch sử, Vật lý là những môn thường có số điểm dưới trung bình tương đối lớn.
Với việc phổ điểm các môn như Toán, Vật lý, đặc biệt là môn Hoá học và Địa lý số điểm 10 nhiều hơn so với những năm trước. "Do đó, dự báo tổ hợp A00, A01, B00, C00, D01 phổ điểm sẽ tăng", GS Đức nói.
Cụ hể, với phổ điểm như trên, có thể thấy năm nay, mức điểm phổ biến nhất ở hầu hết tổ hợp là 22 - 23 điểm.
Tỷ lệ số bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đều cao hơn năm 2023 ở tất cả các môn. Do đó, nếu không có sự biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT thì điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1 - 3 điểm.
Những ngành “hot”, có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm trước thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.
Mặt khác, GS Đức cũng cho biết thêm, qua đánh giá phổ điểm thi vẫn thấy điểm khối Khoa học Xã hội, ví dụ môn Ngữ văn, Địa lý tỷ lệ điểm giỏi cao, điểm dưới trung bình thấp. Trong khi đó môn Khoa học Tự nhiên như Toán, Vật lý tỷ lệ điểm giỏi đã cải thiện nhưng tỷ lệ điểm dưới trung bình vẫn cao hơn so với môn khác. Do đó, công tác định hướng thi, xét tuyển vào đại học ở tổ hợp Khoa học Tự nhiên trong các năm tới cần được lưu ý, chú trọng hơn nữa.
Thầy Nguyễn Quốc Định, giáo viên ở Hà Nội phân tích, với khối A00, thí sinh đạt từ 27 đến 28,25 tương đương năm ngoái. Vì vậy các ngành lấy tổ hợp A00 năm trước có điểm từ 23-25 dự báo sẽ tăng khoảng 0,5 điểm.
Khối A01, từ 25,25 đến 27 trở lên số thí sinh xấp xỉ năm 2023; từ 27,25 số thí sinh ít hơn năm 2023 khoảng 30%. Vì thế các ngành lấy tổ hợp A01 năm trước có điểm từ 23-25 sẽ tăng khoảng 0,25 điểm; các ngành năm trước có điểm chuẩn từ 25 sẽ giảm khoảng 0,25 đến 0,5 điểm.
Tổ hợp D01 từ 24,5 trở lên có số thí sinh cao hơn năm 2023 khoảng 30 - 50% (do ảnh hưởng từ phổ điểm môn văn chót vót, dù môn tiếng Anh không cao). Vì thế các ngành lấy tổ hợp D01 năm trước có điểm từ 22-24 sẽ tăng khoảng 0,25 điểm. Các ngành năm trước có điểm từ 24 sẽ tăng khoảng 0,5 điểm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, về cơ bản phổ điểm năm nay khá tốt. Điều đó thể hiện kết quả của kỳ thi khá ổn định so với những kỳ thi trước và kết quả đó phản ánh được chất lượng dạy học ở giáo dục phổ thông.
Cụ thể, phổ điểm một số môn thi có sự phân hoá rất tốt như môn Lịch sử. Ngoài ra, phổ điểm môn tiếng Anh cũng bắt đầu có chuyển biến tích cực hơn so với phổ điểm của các năm trước đây. Do đó, một số khối điểm chuẩn dự báo sẽ nhỉnh hơn năm ngoái từ 0,25 đến 1 điểm.
Với nhiều khoảng điểm và sự phân hóa về kết quả giữa các môn học thì hoàn toàn đủ điều kiện cho các trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển theo các tổ hợp tuyển sinh.
Đánh giá thêm về phổ điểm các môn năm nay, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, phổ điểm các môn, các khối năm nay đã độ chụm không có độ lệch lớn giữa các quãng điểm. Với một đồ thị phân bổ như vậy chứng tỏ quá trình tổ chức giảng dạy, quá trình ra đề, phân tích dữ liệu đã đạt được yêu cầu. Điều này đồng nghĩa mức độ phân hoá thí sinh trong kỳ thi tốt.
Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện mục tiêu kép. Một là xác nhận quá trình 12 năm học tập của học sinh, đề thi đã bao phủ những nội dung toàn diện và đã được đánh giá với kết quả tốt đẹp. Với độ tin cậy của học vấn phổ thông sẽ là nền tảng để các trường đại học xét tuyển dựa trên các tổ hợp.
Thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học
Từ 18/7, Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT sẽ mở để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm mầm non năm 2024.
Thí sinh có 12 ngày (từ 18/7 đến 17h ngày 30/7) để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống của Bộ GD&ĐT tại thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.
Tất cả thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý (nhập, xem, sửa) thông tin của mình trên hệ thống trong thời gian quy định.
Thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển, gồm cả các nguyện vọng đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vào các trường đại học (xét học bạ THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển...) lên hệ thống tuyển sinh chung và xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Trước 21/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Sau đó, từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống.
Các trường đại học thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 trước 17h ngày 19/8. Với thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống chậm nhất 17h ngày 27/8.