Dự án “Pix me – tranh Mosaic và bộ sản phẩm tự làm” do nhóm sinh viên ngành Thiết kế nội thất trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện. Dự án lấy ý tưởng từ nghệ thuật Mosaic truyền thống xuất hiện ở Việt Nam lâu đời kết hợp với tuy duy thiết kế và khả năng ứng dụng phần mềm công nghệ 4.0 Pixel để đưa mỹ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng.
Không chỉ được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao bởi tính ứng dụng thực tế, tính sáng tạo, độc đáo, mang giá trị khác biệt, sản phẩm còn góp phần phát triển thị trường tranh trang trí nội thất nguồn gốc Việt Nam. Đồng thời nâng cao giá trị nghệ thuật truyền thống, nhất là các chất liệu gốm, gỗ, giấy dó, nghiên cứu phát triển chất liệu tái chế, rất dễ đóng gói, vận chuyển và khả năng xuất khẩu cao...
Pixme cung cấp những sản phẩm giàu trí tuệ và thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, dễ kết hợp với nhiều gam màu và phong cách nội thất, làm đồ handmade thân thiện với môi trường theo tiêu chí "Sống Xanh".
Dự án khởi nghiệp của sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp năm nay.
Đại diện nhóm, bạn Nguyễn Hữu Phong cho biết: “Chúng em có nền tảng nhất định là sinh viên được đào tạo bài bản trên giảng đường của khoa Nội thất. Từ đó, được hình thành tư duy nghệ thuật và không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển khả năng của bản thân. Chúng em cũng nhận được sự tư vấn và định hướng của các thầy cô trong ban cố vấn khởi nghiệp và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp có chuyên môn về lĩnh vực sản xuất tranh Mosaic trong trang trí nội thất”.
Để dự án đi đến thành công, ngoài việc nghiên cứu các tài liệu liên quan, cả nhóm thường xuyên tham gia trải nghiệm thực tế, nắm bắt được thị trường, tìm hiểu nguồn nguyên liệu, tham vấn các chuyên gia tài chính và nhận sự hỗ trợ từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè… Hiện tại, nhóm đã nhận được những đơn đặt hàng lớn của các văn phòng thiết kế nội thất, các công ty phân phối sản phẩm tranh trang trí nội thất…
Nhóm hy vọng dự án phát triển nhanh và mạnh hơn nữa không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà còn phát triển ra thị trường thế giới, tạo ra sản phẩm mang tính cá nhân hoá nhưng vẫn mang đặc trưng của Việt Nam. Tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới, phương thức sản xuất mới để không ngừng phát triển giá trị của sản phẩm.
Dự án Pixme giúp rút ngắn quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tư duy thiết kế. Giá thành sản phẩm giảm nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mĩ cao, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu cá nhân hoá ngày càng cao của khách hàng.
Chung kết cuộc thi SV_Startup năm nay có sự góp mặt 80 dự án. Các đội sẽ trải qua 3 chặng thi. Các đội đã thuyết trình và bảo vệ dự án, ý tưởng khởi nghiệp trực tiếp trước Hội đồng giám khảo đến là các doanh nhân từ các Quỹ đầu tư, các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham dự