(VTC News) - Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đó là các dự án liên quan đến trung tâm chính trị - hành chính, cụ thể là trụ sở các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao,…
3 bước thực hiện
Tại hội thảo “Chiến lược phát triển quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức sáng 16/5, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc triển khai quy hoạch sẽ được thực hiện theo 3 bước.
Bước một, thành phố đã và đang khẩn trương triển khai quy hoạch các phân khu, trong đó trước mắt là 17 phân khu thuộc các khu vực đô thi đã được UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ triển khai các quy hoạch chuyên ngành.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang gấp rút triển khai lập quy hoạch các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong đô thị, như: quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý nước thải; quy hoạch các công viên, hồ nước, vườn hoa, quy hoạch các nghĩa trang; quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015; quy hoạch giao thông vận tải...
Quy hoạch chung Thủ đô được thực hiện theo 3 bước |
Ông Hùng nhấn mạnh, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch các dự án đầu tư trong giai đoạn này cần có quy định giới hạn cụ thể và phải được xem xét một cách tổng thể trong toàn khu vực liên quan.
Bước cuối cùng của việc triển khai quy hoạch chung là giai đoạn đầu tư, xây dựng các công trình, hình thành các sản phẩm cụ thể. Cũng trong giai đoạn này, thành phố sẽ tiến hành cấp phép xây dựng các dự án cụ thể, đồng thời sẽ thanh tra trật tự xây dựng sau khi cấp phép.
Bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Quy hoạch đô thị Hà Nội cho biết, Viện đã lựa chọn đô thị trung tâm mở rộng là bước đi đầu tiên cho các quy hoạch phân khu đô thị. Trong đó ở phía bắc có 11 phân khu đô thị.
Ở phía tây, phía tây sông Nhuệ, khu vực sông Đáy là khu phát triển mới của vùng ven đô để có thể tạo ra môi trường ở hấp dẫn, môi trường sống tiêu chuẩn. Đây cũng là những khu vực góp phần giảm tải dân số cho vùng lõi của Hà Nội.
Hai không gian xanh lớn tạo ra đặc trưng, cấu trúc của đô thị trung tâm là vành đai xanh sông Nhuệ và sông Thiếp, đầm Vân Trì được kết nối với trục không gian cảnh quan sông Hồng.
Bà Ngân khẳng định, trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là động lực để tạo ra sức sống cho khu vực phía bắc sông Hồng. Dựa trên những nền tảng của nguồn lực hiện nay, trục Nhật Tân - Nội Bài tạo cơ hội phát triển các đô thị xung quanh chỉ trong 5 năm tới. Còn tại trục tây Ba Vì sẽ tạo ra những khu vực, công trình mang tính điểm nhấn, giải quyết những chức năng còn thiếu của khu vực trung tâm.
Theo TS. Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng), với quy hoạch chung đã được thông qua, Hà Nội đã và sẽ gánh vác nhiều chức năng quan trọng hơn so với trước, công nghệ xây dựng, yếu tố về hạ tầng, nhu cầu sử dụng đất cũng đã và sẽ biến đổi rất đa dạng.
Tuy nhiên, nếu tạo nên nhiều biến đổi thái quá cho Hà Nội thì việc “làm mới” Thủ đô cũng có thể vô tình đưa Hà Nội thêm nhiều vướng mắc hơn. Do vậy, thành phố cần phải lập một chương trình kế hoạch phát triển đô thị hết sức cẩn trọng, đặc biệt tại các khu vực trung tâm và các khu vực mở rộng từ vành đai 4 trở vào.
Vốn ở đâu?
Một câu hỏi khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng nhất là nguồn vốn thực hiện lấy ở đâu?
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ, các cơ quan chức năng cũng cần phải nhìn rõ một thực tế, nguồn lực tài chính và đất đai là có hạn, khan hiếm, do đó mọi quyết định đầu tư phải tính đến quy luật chi phí cơ hội và các nguyên tắc cơ bản của thị trường.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam cũng cho rằng, nguồn vốn đầu tư là một trong những hạn chế lớn nhất trong việc triển khai quy hoạch chung này.
Đơn cử như dự kiến kinh phí đầu tư hạ tầng chỉ trong năm 2012 này cho huyện Thạch Thất đã là 130 tỷ đồng. Hay chi phí ban đầu cho chương trình nông thôn mới cũng lên tới 4.500 tỷ đồng.
“Cái lo lớn hơn trong thực hiện quy hoạch chung, chính là tính toán thiệt hơn giữa các mục tiêu đưa ra cũng như bài toán liên kết vùng giữa Hà Nội với các địa phương lân cận”, ông Chính nhấn mạnh.
Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, bên cạnh việc cụ thể hóa quy hoạch chung bằng các đồ án quy hoạch, vấn đề quan trọng nhất là năng lực quản lý và nguồn lực đầu tư.
Quy hoạch chung đã đưa ra danh mục ưu tiên, việc Hà Nội cần làm là đề xuất danh mục dự án để kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu như từng làm khi triển khai quy hoạch năm 1998.
Vậy những dự án nào sẽ được ưu tiên? Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đó là các dự án liên quan đến trung tâm chính trị - hành chính, cụ thể là trụ sở các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao; các dự án liên quan đến văn hóa vùng, dự án liên quan đến lịch sử, truyền thống, các khu di tích, các làng nghề, chùa chiền, hệ thống các trường học, trung tâm nghiên cứu khoa học, kinh tế - tài chính, sân bay, bến cảng...
Bài, ảnh:
Châu Anh