Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á 'đắp chiếu' hơn thập kỷ, dân phải bỏ nhà ra đi

(VTC News) -

Được đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng và dừng khai thác 12 năm nay, dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) khiến môi trường, đời sống người dân 5 xã huyện Thạch Hà bị ảnh hưởng.

Ngày 16/8, tại tọa đàm “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức, ông Nguyễn Quang Luân (ở thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà) nêu những hệ lụy người dân phải gánh chịu từ dự án "treo". Theo ông Luân, hơn 1 thập kỷ qua, người dân địa phương gặp phải vô vàn khó khăn, từ đất ở, nguồn nước, kinh tế hạ tầng, đến giao thông.

Do đất bị sạt lở, đất bùn nên người dân không thể sản xuất phát triển kinh tế. Địa bàn thôn có trên 100 hộ gia đình mong muốn cung cấp đất ở cho nguời dân. Có nhiều hộ gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, do vậy sinh hoạt hàng ngày vô cùng khó khăn, bất cập. "Đến mức, có những cặp vợ chồng phải bỏ nhà ra đi", ông Luân nói.

Ông Nguyễn Quang Luân. (Ảnh: Quang Vinh).

Theo ông Luân, người dân nhiều lần phản ánh những khó khăn đến cấp xã, cấp huyện nhưng chỉ nhận được lời hứa đề xuất kiến nghị với tỉnh và có sự hỗ trợ đến địa phương.

"Để tiếp tục khai thác mỏ sắt này, tôi tin rằng, đời sống người dân chúng tôi sẽ tiếp tục gặp vô vàn khó khăn, thậm chí khó khăn hơn nữa", ông Luân lo ngại.

Là 1 trong 5 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ông ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) cho hay, dự án đi vào hoạt động khai thác đã để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân.

Ông Lý chỉ ra hàng loạt hệ luỵ như bùn đất của bãi thải mỏ sắt gây sụt lún, san lấp hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp, mồ mả, hoa màu, cây cối bị vùi lấp dưới chân bãi thải, nhiều ngôi mộ không được tìm thấy.

Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Đất sản xuất bị khô cằn, thiếu nước, phải bỏ hoang hóa.

Đất ở của người dân không được cấp, đến nay có 228 hộ gia đình 3 - 4 thế hệ ở trong một nhà, có gia đình 15 người sống trong nhà cấp 4, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn.

Cơ sở hạ tầng của địa phương không được đầu tư đồng đồng bộ, đặc biệt hệ thống đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Nhân dân không có việc làm, thu nhập không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Con em học hành không đến nơi đến chốn, thiếu người chăm sóc do bố mẹ phải đi làm ăn.

"Người dân rất mong muốn Nhà nước cùng các cơ quan chức năng sớm cho chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để địa phương ổn định phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng phát triển du lịch biển", Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải bày tỏ.

Trả lời tại tọa đàm, TS Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, Thành viên sáng lập, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) khẳng định đến nay chưa có văn bản nào chỉ đạo dừng dự án này.

"Một dự án chỉ dừng triển khai khi xảy ra hai điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiệm trọng quy định pháp luật. Ở đây, hai điều nói trên không xảy ra nên tôi cho rằng mỏ sắt Thạch Khê không có lý do gì để dừng cả", ông Hùng nhấn mạnh.

TS Phạm Lê Hùng tại toạ đàm. (Ảnh: Quang Vinh).

Nói về môi trường, ông Hùng cho biết, cơ sở thực tiễn có thể thấy, mỏ sắt Thạch Khê trải qua 60 năm nghiên cứu, đã khoan 65 nghìn mũi, xét nghiệm 16.500 mẫu đất đá, quặng, khoáng vật, tất cả đều trong ngưỡng cho phép. Có nghĩa là trong mỏ này không chứa vật phẩm gây hại, chỉ đào đất lên, lấy quặng ra rửa sạch, nghiền, tuyển. Vì vậy, thảm họa môi trường không thể xảy ra.

"Nhìn sang tính vấn đề khoa học của dự án, để dự án đi vào khai thác thì chúng tôi bảo vệ được đề án đánh giá tác động môi trường. Hội đồng bảo vệ đánh giá tác động môi trường gồm các nhà khoa học uy tín. Còn, hội đồng thiết kế kỹ thuật, có 25 nhà khoa học đầu ngành, cộng 10 người thư ký trợ giúp. Vậy nên, kết luận đánh giá tác động môi trường, tác động kỹ thuật đã được Nhà nước thông qua. Như vậy tính khoa học quá chắc chắn", ông Hùng cho hay.

Trước quan ngại của Hà Tĩnh về nước thải, ông Hùng nói dự án có 3 hồ và hồ cuối cùng có thể xả thải ra môi trường mà không gây ô nhiễm. "Còn lấn biển thì chúng tôi lấn biển nhưng đâu có đổ thải ra biển", TS Phạm Lê Hùng nêu quan điểm.

PGS.TS Lê Đức Hải. (Ảnh: Quang Vinh).

Tại toạ đàm, nhiều người thắc mắc nếu dự án tiếp tục khai thác sẽ phải đổ thải lấn biển trên diện tích hơn 900 ha thì tác động thế nào đến môi trường biển. PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - cũng bày tỏ lo ngại, hiện nay bờ biển Hà Tĩnh đang bằng phẳng, giờ tạo ra mỏ hàn cực lớn thì điều gì sẽ xảy ra.

PGS.TS Lưu Đức Hải lý giải, trước hết, dòng bùn cát dọc bờ sẽ thay đổi mà dòng bùn cát ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái biển. Nó có thể tạo ra vùng bồi và vùng lở với bờ biển. Ngoài ra, việc đổ thải có thể tạo ra các chất ô nhiễm như các kim loại nặng nằm trong đất đá thải hay tạo ra SO4 có thể gây ra thay đổi môi trường nước biển.

"Như vậy, chắc chắn rằng sự toàn vẹn của sinh thái biển sẽ hoàn toàn thay đổi", PGS.TS Lưu Đức Hải khẳng định.

Ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn phản biện về kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh - bày tỏ đồng tình về kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh với Trung ương "chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê".

"Đây không chỉ là quan điểm của lãnh đạo địa phương, mà chính là chính kiến của một số nhà khoa học, nhà quản lý mà tôi được tiếp cận, là ý nguyện của người dân và các cơ sở trong vùng mỏ. Tôi nghĩ rằng, việc tiếp tục hay dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải trên cơ sở khoa học, đúng lộ trình và đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường", ông Bình nêu ý kiến.

Minh Tuệ

Tin mới