Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự án khu công nghiệp trên giấy, dân chịu cảnh sống ‘treo’

(VTC News) -

Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng được quy hoạch 10 năm nhưng vẫn còn trên giấy khiến hơn 300 hộ dân chịu cảnh “đi không được, ở không xong”.

Hơn 300 hộ dân sống 'treo' vì Dự án quy hoạch 10 năm chưa xong. 

Đất đai rộng nhưng nhiều gia đình thuộc diện quy hoạch Dự án Khu công nghiệp (KCN) Hòa Ninh (Đà Nẵng) vẫn phải chịu cảnh 3-4 thế hệ sống trong những căn nhà cấp 4 xuống cấp, chật chội vì quy định trong vùng dự án thì không được tách thửa, xây dựng, cơi nới nhà cửa.

10 năm sống khổ

Hơn 10 năm nay, bà Vũ Thị Hạnh (trú tổ 2, thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cùng 2 người cháu sống trong căn nhà tình thương đã xuống cấp, mưa dột tứ bề nhưng không thể sửa chữa vì nằm trong khu quy hoạch Dự án KCN Hòa Ninh.

Theo bà Hạnh, từ 10 năm trước bà đã nghe thôn, xã thông báo gia đình bà và các hộ trong thôn thuộc diện quy hoạch KCN, sau đó thì nhận được chủ trương sẽ giải tỏa đi hẳn nên không được xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà cửa.

Mái tôn thủng hết rồi, tường cũng nứt, nền thì gạch bung lên nhưng vì không được sửa chữa gì nên bà cháu tôi vẫn phải sống vậy thôi. Ở đây nhà nào cũng vậy, có dột, xuống cấp, ngập úng cũng không thể làm gì nên đành chấp nhận. Nếu có giải tỏa thì mong chính quyền thực hiện sớm, còn không triển khai dự án nữa thì nên có thông báo để dân được sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống”, bà Hạnh cho biết.

Bà Vũ Thị Hạnh lo lắng vì nhà xuống cấp nhưng chưa biết khi nào di dời vì dự án chưa triển khai.

Nhà xuống cấp nên hằng năm, mỗi khi có bão là bà Hạnh cùng các cháu lại phải dắt díu nhau ra nhà văn hóa thôn để trú ngụ vì “nó có thể sập bất cứ lúc nào”, như lời bà nói.

Cũng 10 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (trú thôn Trung Nghĩa) với 3 thế hệ sống chung trong một căn nhà cấp 4 rơi vào cảnh “đi không được, ở không xong” vì vướng quy hoạch dự án.

Chị Huyền cho biết, gia đình chị với 3 thế hệ gồm 10 người phải sống chung trong một nhà nên sinh hoạt khá chật chội và nhiều thứ bất tiện. Đất đai thì rộng hơn 500m2 nhưng muốn làm nhà để sống riêng cũng không được do vướng quy hoạch, không được tách thửa, không được xây dựng, cơi nới.

Ở thôn này, nhà nào cũng có đất rộng nhưng phải chịu cảnh sống chật chội, gò bó trong những căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Như gia đình tôi, vợ chồng dù rất muốn xây nhà ra ở riêng nhưng không được chính quyền không cho phép. Vậy nên cả chục năm nay, bố mẹ, vợ chồng tôi, vợ chồng đứa em phải sống chung. Nhà cửa xuống cấp, mưa thì dột, ngập nhưng chẳng biết phải làm sao”, chị Huyền lo lắng.

Căn nhà của bà Vũ Thị Hạnh xuống cấp.

Ghi nhận của PV VTC News, tại các thôn 1, thôn 5, thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh (cũng thuộc khu vực quy hoạch Dự án KCN Hòa Ninh), hầu hết nhà dân đều là nhà cấp 4, xây dựng đã lâu, hiện xuống cấp. Nhiều nhà tường nứt nẻ, ngói mục nát, tôn thủng lỗ chỗ, trời nắng thì ngồi trong nhà cũng thấy mặt trời, mưa xuống dột khắp nơi.

Bà Th. (trú thôn 1) bày tỏ bức xúc vì phải sống cảnh tạm bợ trong chính ngôi nhà của mình mà không biết khi nào mới được an cư.

Họp dân cũng nhiều lần, tiếp xúc cử tri cũng phản ánh mãi nhưng chúng tôi chẳng biết tương lai thế nào. Tôi chỉ nghe nói dự án vẫn triển khai, còn khi nào thì chưa ai trả lời chính xác cả”, bà Th. nói.

Dự án nhiều năm không triển khai khiến hơn 300 hộ dân tại các thôn 1, thôn 5, Trung Nghĩa, Hòa Trung (xã Hòa Ninh) chịu nhiều thiệt thòi khi phải sống cảnh chật chội, bất an trong những căn nhà xuống cấp, dột nát.

Bao giờ dân an cư?

Dự án xây dựng KCN Hòa Ninh, xã Hòa Ninh (Hòa Vang, Đà Nẵng) được quy hoạch hơn 10 năm qua với tổng chi phí dự kiến thực hiện là hơn 6.083 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.578 tỷ đồng.

Đến năm 2016, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự án với diện tích hơn 550ha. Năm 2017, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh lại sơ đồ ranh giới sử dụng đất Dự án KCN Hòa Ninh, giảm xuống còn hơn 400ha.

Mới đây nhất, tháng 11/2019, UBND thành phố ban hành quyết định số 5383/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu với tỷ lệ 1/2000 đối với dự án này.

Nhà cửa xuống cấp, tạm bợ nhưng người dân thuộc vùng quy hoạch không được nâng cấp, sửa chữa.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đà Nẵng, lý do khiến việc giải tỏa, xây dựng KCN Hòa Ninh chậm là dự án này có quy mô lớn, tính chất đặc thù. Việc lựa chọn nhà đầu tư phức tạp  vì các bộ, ngành không có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà đầu tư đối với loại hình dự án này. Do vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thành phố tự xây dựng quy trình và vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu để thực hiện.

Liên quan vấn đề này, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tổ chức cuối tháng 4/2024, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Dự án KCN Hòa Ninh được thành phố lập quy hoạch đầu tư.

Trong quá trình lập hồ sơ thì diện tích rừng ban đầu được xác định hơn 50ha đất rừng. Vì vậy, theo quy định, thành phố phải gửi hồ sơ ra Bộ KH-ĐT tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, sau khi có Quyết định số 1287/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích này được xác định lại.

Theo quy hoạch 3 loại rừng của thành phố thì diện tích nằm trong khu này dưới 50ha là đất rừng. Do đó, thẩm quyền dưới 50ha rừng lại quay trở về thẩm quyền của HĐND thành phố. Vì vậy, UBND thành phố phải làm thủ tục xin rút hồ sơ từ Bộ KH-ĐT, từ Thủ tướng Chính phủ về để thực hiện đúng quy trình thủ tục theo quy định.

Thời gian tới, UBND thành phố sẽ điều chỉnh trở lại để triển khai dự án nhằm phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Trần Chí Cường cho biết.

Nhà của một hộ dân thôn 1, xã Hòa Ninh xuống cấp, tường nứt, ngói mục, mưa xuống là dột khắp nơi. 

Về quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do dự án “treo” quá lâu, ông Trần Chí Cường cho biết, UBND thành phố sẽ làm việc với UBND huyện Hòa Vang để giải quyết. Trong đó, sẽ xem xét để người dân nằm trong khu quy hoạch được thực hiện một số quyền của mình như có thể đầu tư xây dựng công trình để đảm bảo tránh trú bão, xây nhà ở nhưng không quá 100m2 và không quá 1 tầng.

Châu Thư

Tin mới