Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dự án ga đường sắt Đà Nẵng 'ngâm' 14 năm, dân xây hàng ngàn ngôi nhà

Dự án xây mới ga đường sắt Đà Nẵng tại quận Liên Chiểu từ khi công bố quy hoạch đến nay đã “ngâm” 14 năm, người dân mặc sức xây nhà khiến quy hoạch bị băm nát.

“Khi công bố dự án ga Đà Nẵng vào năm 2004, khu vực bên trong ga chỉ có 122 ngôi nhà. Nhưng 10 năm sau thì mọc lên hơn 2.000 nhà. Phần diện tích được quy hoạch làm cơ sở hạ tầng sau ga cũng mọc lên khoảng 2.500 căn nữa.

Giờ coi như quy hoạch phá sản vì đất ở đâu mà có gần 5.000 lô để cấp tái định cư cho dân” - ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, nói về vấn đề quy hoạch ga Đà Nẵng tại cuộc họp UBND TP thường kỳ tháng 5 diễn ra mới đây.

Xây nhà không khó

Ông G. (72 tuổi) cùng tám thành viên trong gia đình nhiều năm nay chia nhau ở trong hai căn nhà nằm trên cùng một thửa đất ở đường Phạm Như Xương nối dài, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Theo ông G., miếng đất này rộng 152 m2, sau năm 1975 hai vợ chồng ông cất căn nhà rộng 70 m2 để ở cùng ba người con trai.

 

“Vợ tôi mất sớm, đến năm 2005 gia đình làm đám cưới cùng lúc cho hai thằng con trai. Hai năm sau đó, tụi nó có con hết nên cả nhà sống rất chật chội. Năm 2007, tôi viết giấy cắt 70 m2 đất để con trai đầu xây nhà ở riêng. Nhưng khi lên quận làm giấy tờ mới biết đất nằm trong quy hoạch ga đường sắt nên không tách thửa, cũng không được xây mới” - ông G. nói.

Trong gần một năm sau đó, ông G. cùng con trai gửi nhiều đơn thư lên quận và TP xin cứu xét để được tách thửa đất. “Đến đầu năm 2008, khi gia đình hết hy vọng thì quận nói TP có văn bản cho phép những gia đình quá bí bách về chỗ ở được phép xây tạm trong khu quy hoạch, diện tích dưới 50 m2 và cũng không được tách thửa. Nghe thế, tôi về xây nhà và cũng không thấy ai nói gì” - ông G. nói.

Một trường hợp khác, bà T. (66 tuổi) ở cùng con gái trong căn nhà gác lửng có tổng diện tích đất 95 m2 tại kiệt 3 đường Phạm Như Xương. Bà T. quê ở Hội An, có hai người con. Con trai đầu kết hôn và mua nhà tại khu vực Liên Chiểu từ năm 1999.

Năm 2002, con trai bà T. mua miếng đất 105 m2 dự tính xây nhà đón cha mẹ già ra ở. “Cuối năm 2004, gia đình bắt đầu xin giấy phép xây dựng nhưng quận không cấp vì vướng quy hoạch ga đường sắt. Loay hoay mấy tháng trời, con trai tôi phải nhờ tới cò thì mới được xây nhà” - bà T. nói.

 Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực phường Hòa Khánh Nam đa phần là nhà xây tự phát. Chạy dọc các tuyến đường quanh phường, hàng trăm căn nhà cấp 4 lố nhố, thò ra thụt vào rất mất mỹ quan.

Trách nhiệm của nhiệm kỳ trước!?

Nhà cửa xây dựng không phép tràn lan tại phường Hòa Khánh Nam được phá dỡ thời gian gần đây. Ảnh: TẤN VIỆT 

Trao đổi với PV, ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho hay toàn phường hiện có hơn 6.200 hộ dân với 29.000 nhân khẩu. Xác nhận Hòa Khánh Nam là khu vực phức tạp về trật tự đô thị, xây dựng, ông Nguyên cho hay lực lượng quy tắc đô thị nhiều năm qua luôn làm việc rất căng thẳng.

“Tôi không nắm được thông tin anh Nguyễn Nhường nêu. Nhưng nếu có thì chắc ở phường Hòa Minh nữa chứ nếu chỉ phường Hòa Khánh Nam thì làm sao có tới gần 5.000 căn nhà xây mới được” - ông Nguyên nói.

Trong khi đó, ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, lại cho rằng con số gần 5.000 căn nhà trên chủ yếu ở phường Hòa Khánh Nam vì nơi này chiếm hơn 90% diện tích trong dự án ga đường sắt. Phường Hòa Minh chỉ dính đến đường dẫn vào ga nên không liên quan gì.

Chúng tôi đem ý kiến hai phường trên hỏi lại ông Nhường, ông phân trần: Con số 5.000 hộ chỉ là phán đoán. Quận đang chờ Thanh tra TP công bố số liệu chính thức. “Nhưng phán đoán phải dựa trên căn cứ nào cụ thể chứ?” - PV hỏi.

Ông Nhường trả lời: “Tôi nói trong cuộc họp như thế để cảnh báo các nhà đầu tư trước khi đầu tư dự án phải khảo sát trước. Có khoảng 5.000 hộ phải di dời nếu thực hiện quy hoạch ga đó. Khu dân cư này đông, nhiều nhà xây có phép chứ không phải toàn là nhà trái phép không”.

Theo ông Nhường, từ khi công bố quy hoạch, khu vực này không được xây dựng mới. Nhà cũ có sẵn chỉ được cải tạo, sửa chữa nguyên trạng, nếu mở rộng thì diện tích không quá 50 m2. “5.000 hộ tôi nói là cả nhà cũ, nhà phát sinh mới. Quy hoạch để quá lâu, người dân bức bí về chỗ ở nên cũng phải cho phép họ cơi nới nhà cũ chứ” - ông Nhường nói.

Khi ông Nhường thừa nhận có trường hợp mua đất xây nhà mới ở vùng dự án, PV hỏi: “Trách nhiệm của quận ra sao?”. Ông Nhường cho rằng việc này đã họp trên TP nhiều lần. Sắp tới, khi có kết luận thanh tra thì phải truy trách nhiệm rõ ràng. Anh nào để xảy ra xây dựng trái phép thì anh đó chịu. Truy luôn trách nhiệm của các nhiệm kỳ trước. Nhưng cũng phải kiểm tra lại, do khách quan hay chủ quan nữa.

“Dự án để lâu rồi, nếu không cho xây thì dân lấy gì ở. Vì vậy phải xem xét nhiều yếu tố. TP để dự án lâu quá nên chính quyền địa phương cũng khó quản lý. Chuyện xây nhà trái phép cũng chỉ xảy ra hồi xưa, chứ 2-3 năm nay chúng tôi cấm tuyệt đối, không cho ai được mua đất xây nhà” - ông Nhường lý giải.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Huy Đức, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, xác nhận sáng 4-6 đã làm việc với lãnh đạo TP. Dự kiến trong tháng 6 Thanh tra TP sẽ công bố kết luận thanh tra về tình trạng xây dựng nhà trái phép tại quận Liên Chiểu.

PV đặt câu hỏi với ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng: Vì sao đã công bố quy hoạch rồi nhưng nhà trái phép vẫn mọc lên? Ông Tuấn khẳng định ngay: Về nguyên tắc, khu vực công bố quy hoạch không được phép xây dựng mới. Tuy nhiên, TP đã phân cấp cho quận cấp phép xây dựng nhà ở địa phương nên Sở Xây dựng khó nắm được.

Nguồn: plo.vn

Tin mới