Dự án Biển Đông 1 là dự án trọng điểm quốc gia, vượt qua những thách thức to lớn, đã phát triển thành công các mỏ khí - condensate Hải Thạch (Lô 05-2) và Mộc Tinh (Lô 05-3) nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn (NCS), thềm lục địa Việt Nam. Hai mỏ này nằm cách nhau khoảng 20km và cách Vũng Tàu khoảng 320km về phía Đông Nam.
Là một dự án với điều kiện đặc biệt phức tạp, nước sâu - cận sâu (118 - 145m nước), xa bờ, nằm trong khu vực có dị thường áp suất rất lớn, hệ thống dầu khí đặc biệt phức tạp của bể NCS.Là dự án đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á có điều kiện áp suất rất cao (890 atm), nhiệt độ cao vượt ngưỡng (hơn 190 độ C) được đưa vào phát triển.
Đây cũng là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới năm 2020 tại Việt Nam (với tổng khối lượng kết cấu lên tới hơn 70.000 tấn), đòi hỏi các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật - công nghệ.
Giàn khai thác khí và dầu Condensate mỏ Hải Thạch.
Lần ngược lại lịch sử, hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí ở Lô 05-2 và Lô 05-3 đã được triển khai từ năm 1992 trên cơ sở hai hợp đồng phân chia sản phẩm (PSCs) với sự tham gia của các nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Anh quốc (BP), ConocoPhillips và Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP).
Mỏ Mộc Tinh được phát hiện năm 1993 bằng giếng khoan 05-3-MT-1X. Mỏ Hải Thạch được phát hiện năm 1995 bằng giếng khoan 05-2-HT-1X.
Với những điều kiện đặc biệt phức tạp tại khu vực này mà Tập đoàn dầu khí BP (nhà điều hành chính của các dầu khí Lô 05-2 và 05-3) và tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài phải rút lui sau 17 năm hoạt động tìm kiếm thăm dò và chi phí rất lớn, lên tới hơn nửa tỷ USD.
Với quyết tâm cao độ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thành lập Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), với nhiệm vụ chính là phải vượt qua thách thức, triển khai công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ, hoàn thiện dự án để sớm đưa 2 mỏ này vào khai thác.
Tập thể BIENDONG POC đã cùng các nhà thầu từng bước chinh phục các cột mốc quan trọng của dự án: Khoan và hoàn thiện giếng an toàn các giếng áp suất cao, nhiệt độ cao, với tốc độ trung bình nhanh hơn các giếng thăm dò lân cận 30%.
Tổ chức vận hành khai thác và quản lý địa chất mỏ liên tục, ổn định và hiệu quả với sản lượng ổn định như thiết kế ban đầu và thời gian vận hành liên tục trên 99,23% (cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của giàn khai thác mới trên thế giới là khoảng 94%).
Đặc biệt đạt cột mốc hơn 26 triệu giờ công làm việc an toàn, hoàn toàn không để xảy ra bất kỳ sự cố nào về người và thiết bị cho toàn bộ dự án, thiết lập một kỷ lục mới về công tác an toàn trong quá trình thi công, lắp đặt, vận hành các công trình dầu khí tại Việt Nam.
Sự kiện dòng khí thương mại đầu tiên từ mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh được khai thác và đưa vào đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn vào ngày 6/9/2013 cho đến nay đã trải qua hơn 8 năm khai thác an toàn, liên tục vàhiệu quả, đang giữ vững vai trò là nhà cung cấp khí lớn thứ hai tại Việt Nam. Dự án nàyđược ghi nhận như là thành công mới của hơn 27 năm nghiên cứu và tổ chức triển khai các hoạt động dầu khí tại các Lô 05- 2 & 05-3, làm nên những kỳ tích mới cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Nghiên cứu, phát triển các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ của cụm công trình này là phần cốt lõi cấu thành không thể thiếu để phát triển dự án thành công như ngày hôm nay. Rất nhiều các giải pháp KHCN mới được nghiên cứu phát triển và áp dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện dự án Biển Đông 1, được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, lần đầu tiên trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả được kiểm chứng ấn tượng từ dự án Biển Đông 1, các thành tựu nghiên cứu, phát triển và tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ công tác giảm thiểu rủi ro về địa chất, lựa chọn vị trí giếng khoan tối ưu và thi công khoan và hoàn thiện giếng hiệu quả trong điều kiện áp suất cao, nhiệt độ cao cũng như kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình thực hiện dự án đã được chia sẻ và áp dụng hiệu quả tại các đơn vị khác trong nước như Idemitsu Kosan Co., Ltd. (khoan thăm dò/ phát triển các mỏ khí – condensate).
Chủ tịch Hội Thành Viên PVN Hoàng Quốc Vượng nhận chai dầu Condensaste từ TGĐ Biển Đông POC Ngô Hữu Hải.
Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, nằm tại khu vực có điều kiện tương tự mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, đã đón dòng khí thương mại đầu tiên vào ngày 16/11/2020), PVEP (một số giếng khoan ở bể Sông Hồng), Vietgazprom (các giếng khoan ở khu vực nước sâu bể Phú Khánh), Rosneft (trong quá trình khoan thành công các giếng thăm dò lô 05-3/11, lô 06.1 - gần khu vực phát triển của BIENDONG POC).
Hơn nữa, chính nhờ những giải pháp, công nghệ này và những kinh nghiệm tích lũy từ thành công của dự án Biển Đông 1 là tiền đề để đưa các công ty dịch vụ trong nước lớn mạnh, tăng vượt bậc khả năng, năng lực cạnh tranh quốc tế đi đến thành công trong việc đấu thầu quốc tế và triển khai các dự án EPCI ở nước ngoài.
Sau khi hoàn thành Dự án Biển Đông 1, Công ty Cơ khí Hàng hải (PTSC-M&C), mộtt đơn vị của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), tổng thầu EPCI của Dự án Biển Đông 1, đã trúng thầu và thực hiện hơn 23 dự án khác ở trong nước và ngoài nước với tổng giá trị hợp đồng hơn 600 triệu USD.
Ngày 24/9/2019, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) ký kết hợp đồng cung cấp giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm Semi-TAD 15K PVD-V, giàn khoan đã khoan thành công 16 giếng khai thác với điều kiện đặc biệt phức tạp cho Dự án Biển Đông 1, với Brunei Shell Petroleum Company Sdn Bhd (BSP), một hợp đồng khoan rất lớn “6+4 năm” tại vùng biển Brunei, khẳng định nội lực và khả năng cạnh tranh quốc tế của PVD và giàn khoan Semi-TAD 15K PVD-V.
Cho đến nay, Dự án Biển Đông 1 đã khai thác được hơn 15 tỷ mét khối khí và hơn 24 triệu thùng condensate, đem lại doanh thu rất lớn đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng doanh thu lũy kế tính đến 30/9/2021 của Công ty đạt hơn 3,94 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành là 3,58 tỷ USD
Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19, ảnh hưởng xấu đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của BIENDONG PO, trong đó có việc sản lượng huy động khí tại thị trường Việt Nam rất thấp, nhưng BIENDONG POC vẫn đạt kế hoạch tất cả các chỉ tiêu khai thác khí, dầu condensate và vượt mức doanh thu tài chính. Đặc biệt là đã hoàn thành xuất sắc chiến dịch dừng giàn bảo dưỡng (TAR) lớn nhất trong lịch sử BIENDONG POC kể từ khi đưa giàn vào vận hành khai thác.
Hiện nay BIENDONG POC là một trong những đơn vị đi đầu của Tập đoàn khí Việt Nam trong việc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI vào công tác quản trị và điều hành doanh nghiệp.